Giữ chân người thực tài

Giữ chân người thực tài
4 giờ trướcBài gốc
Đồng tình với chủ trương của Đảng, tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhiều ý kiến cho rằng, để tinh giản thành công cần tập trung vào việc sắp xếp con người và phải có chính sách vượt trội, đủ mạnh nhằm đảm bảo mục tiêu vừa tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ, vừa bảo đảm tính ổn định của bộ máy để phát triển. Đồng thời, phải quan tâm đến tâm tư nguyện vọng chính đáng của đội ngũ công chức, viên chức.
Quan trọng nhất là khi triển khai xong, chúng ta phải đảm bảo một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu của bộ máy mới sau khi sắp xếp. Theo Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thì, tinh thần là ưu tiên bố trí sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội, những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác, có bề dày, uy tín nghề nghiệp, có kiến thức chuyên môn, kiến thức về ngành và lĩnh vực đặc biệt, đặc thù để giữ chân người tài.
Vậy là, bên cạnh việc chuyển dịch dòng lao động từ bộ máy Nhà nước sang các khu vực khác thì chúng ta cũng cần có “cơ chế "giữ chân" người tài, qua đó đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ”- người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết.
Kinh nghiệm qua nhiều năm làm chính sách về công tác cán bộ đã giúp cho các chuyên gia ở Bộ Nội vụ nhìn ra vấn đề trong quá trình chuẩn bị chính sách cho tinh giản. Tại họp báo Chính phủ mới đây, người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng đã nêu: "Thực tế, có trường hợp người có trình độ, có năng lực nhưng họ thấy thời gian công tác còn lại ngắn, có thể thấy khoản tài chính theo chế độ nghỉ sớm có lợi hơn, hấp dẫn hơn thì họ có thể xin nghỉ và ra ngoài làm được nhiều công việc khác. Do vậy, phải tính toán căn cơ, bài bản, phải đặt mục tiêu tinh gọn được bộ máy, tái cấu trúc và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng có chung quan điểm khi cho rằng: “Thời gian qua có xu hướng nhiều cán bộ chuyển từ công sang tư. Về tổng thể thì không có vấn đề gì, vì chúng ta đều quan tâm cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Nhưng nếu không cẩn thận, e rằng người từ công sang tư là người tốt, còn người không tốt, trung bình ở lại. Nếu không có chính sách tốt thì không giữ lại được cán bộ cần giữ, không đưa ra được cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác”.
Nói là thế nhưng thực hiện sẽ thế nào? Để thực hiện được một cách tốt nhất mục tiêu tinh giản trong khi vẫn giữ chân được người tài, cần có một “bộ lọc” thật giỏi, biết nhìn nhận, đánh giá đúng và trúng từng sở trường, sở đoản của mỗi cán bộ, công chức và biết thẳng thừng loại bỏ những cán bộ nói nhiều hơn làm- vốn khá đông trong khu vực Nhà nước. Bởi, đành rằng khu vực công và khu vực tư giờ không có quá nhiều khoảng cách nhưng nếu không giữ chân được người tài thật sự, khu vực công sẽ có thể không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hoàng Mai
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/giu-chan-nguoi-thuc-tai-10296670.html