Giữ gìn nét đẹp văn hóa ở các từ đường dòng họ

Giữ gìn nét đẹp văn hóa ở các từ đường dòng họ
6 giờ trướcBài gốc
Từ đường thờ thủy tổ Vũ Chi, xã Hải Anh (Hải Hậu) được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Đặc sắc các di tích thờ thủy tổ
Các từ đường dòng họ trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện phụng thờ 5 đối tượng chính là ông tổ: những nhà khoa bảng (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, cử nhân); có công với đất nước, với các triều đình phong kiến; có công khai khẩn đất hoang mở làng lập xóm; tổ sư một ngành nghề thủ công truyền thống. Do đặc điểm địa lý tự nhiên, từ đường các huyện phía Nam tỉnh chủ yếu thờ những ông tổ có công khai phá, lấn biển, lập làng; từ đường các huyện phía Bắc tỉnh chủ yếu thờ những ông tổ có công dựng nước, giữ nước; đối với ông tổ là nhà khoa bảng thì vùng đất nào cũng có và được lập ở những làng có truyền thống hiếu học. Huyện Hải Hậu hiện có trên 800 dòng họ với trên 200 từ đường; trong đó nhiều từ đường dòng họ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tiêu biểu là các từ đường: thủy tổ Vũ Chi, thủy tổ Phạm Cập (xã Hải Anh); thủy tổ Trần Vu, thủy tổ Hoàng Gia (xã Hải Trung); tổ Trần Quốc Thể, tổ Phạm Hương Lan (xã Hải Nam); họ Nguyễn Giữa (xã Hải Hưng); họ Phạm Vũ (xã Hải Đường); họ Nguyễn (xã Hải Nam)… Từ đường thủy tổ Vũ Chi (xã Hải Anh) là một trong những công trình có quy mô lớn so với các từ đường khác trên địa bàn huyện (với diện tích trên 1.400m2). Thủy tổ Vũ Chi là một trong bốn thủy tổ có công khai sáng đất Quần Anh xưa đảm nhiệm công việc đắp đê khai thông sông ngòi, cải tạo đồng cho lúa khoai tươi tốt, đời sống cư dân ngày càng sung túc. Để tri ân công đức của thủy tổ Vũ Chi, con cháu trong dòng họ lập từ đường vào năm Đinh Tỵ niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) (nay ở xóm 3, xã Hải Anh). Năm 1943, con cháu trong dòng họ Vũ Chi tiến hành đại tu toàn bộ các hạng mục công trình gồm: tiền đường, trung đường, cung cấm, nhà tả vũ. Từ đó đến nay, trải qua 6 lần trùng tu, tôn tạo nhưng công trình vẫn giữ được nguyên trạng kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn; trong đó đặc trưng là kiến trúc 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 5 gian hậu chẩm. Tại di tích hiện lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật như: sắc phong, văn bia, câu đối, đại tự.
Huyện Nam Trực là nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, danh tướng có công lớn trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, phát triển quê hương. Để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân, các thế hệ người dân địa phương đã phụng thờ tri ân công đức. Nhiều ngôi từ đường các dòng họ lâu đời đã được công nhận, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, tiêu biểu như các từ đường: họ Đặng, họ Vũ, xã Nam Hồng; họ Vũ Đình, họ Nguyễn Đình, họ Phạm, xã Nam Cường; họ Phạm, xã Nam Hùng; họ Phạm, xã Nam Thái; họ Đỗ Phúc Hòa, họ Nguyễn Quận công, xã Nam Tiến… Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh từ đường họ Nguyễn Đình, xã Nam Cường là nơi thờ tự 11 vị tổ; từ tổ Nguyễn Đình Dự (1599-1663) đến tổ Nguyễn Văn Dính (1905-1937). Trong số những vị tổ trên, tiêu biểu có 3 vị tổ: Nguyễn Đình Thực, Nguyễn Đình Khuê và Nguyễn Văn Lập là có nhiều công lao nhất trong công cuộc dựng làng, giữ nước. Căn cứ các tư liệu lịch sử và truyền thuyết địa phương, đặc biệt là tấm bia “Trùng tu từ đường” được soạn khắc năm Duy Tân thứ 5 (1911) hiện lưu giữ tại di tích thì công trình từ đường họ Nguyễn Đình được khởi dựng lần đầu vào năm 1759. Ngôi từ đường ban đầu được xây dựng với quy mô nhỏ hẹp, lợp mái tranh, sau được xây gạch lợp ngói nam. Ngày nay, từ đường Nguyễn Đình được xây dựng trên một khuôn viên rộng 700m2, quay hướng Nam. Các hạng mục công trình được bố trí theo thứ tự gồm: hệ thống nghi môn, giếng, vườn, sân và công trình kiến trúc chính. Từ đường họ Nguyễn Đình mặc dù được trùng tu, tôn tạo nhiều lần song công trình vẫn giữ được phong cách kiến trúc truyền thống. Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Đình đã phát triển cả về con người và công trình thờ tự. Tính đến nay dòng họ Nguyễn Đình ở xã Nam Cường có khoảng hơn 200 hộ với gần 700 người. Ngoài từ đường ngành cả, hiện nay con cháu các chi, ngành còn xây dựng 5 ngôi từ đường, tạo thành một hệ thống từ đường dòng họ Nguyễn Đình rộng lớn và quy mô.
Góp phần bảo tồn văn hóa dòng họ
Các di tích từ đường hiện nay ngoài việc là nơi thờ tự các vị tổ, còn là những “bảo tàng”, “thư viện” nhỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu tiếp tục góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhiều dòng họ trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đúng về vấn đề xây dựng văn hóa dòng họ, thông qua việc lập ban khuyến học, xây dựng tủ sách dòng họ tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Dòng họ Nguyễn, xã Hải Hưng (Hải Hậu) là dòng họ hiếu học tiêu biểu của huyện. Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn được thành lập từ năm 1999 với 13 thành viên. Mỗi năm dòng họ tổ chức phát thưởng khuyến học vào ngày Chủ nhật tuần cuối cùng của tháng 8. Đến nay, Ban Khuyến học dòng họ đã phát thưởng cho hàng nghìn lượt cháu có thành tích xuất sắc trong học tập với số tiền hàng trăm triệu đồng. Dòng họ Nguyễn được UBND huyện Hải Hậu công nhận là dòng họ có phong trào khuyến học xuất sắc nhiều năm liên tục và vinh dự được nhận Bức trướng “Khuyến học - khuyến tài” 5 năm liền. Dòng họ Vũ Đại Tôn, xã Hải Anh (Hải Hậu) hiện có 52 chi tộc nằm rải rác trong và ngoài huyện, trong đó mỗi chi tộc có một Ban Khuyến học. Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng về truyền thống hiếu học, dòng họ đề ra kế hoạch theo dõi cụ thể từng học sinh, phát hiện cháu nào có biểu hiện lơ là trong học tập sẽ kịp thời nhắc nhở gia đình, kết hợp với các nhà trường để tìm biện pháp giáo dục. Hàng năm, dòng họ Vũ Đại Tôn phát thưởng cho 40-50 học sinh giỏi là con em trong họ. Lễ tuyên dương, phát thưởng tại từ đường dòng họ được tổ chức trang trọng, là dịp để báo công với tiên tổ và động viên mỗi gia đình, mỗi học sinh tiếp tục phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện và lao động sản xuất. Ở xã Xuân Phúc (Xuân Trường), dòng họ Phạm gốc Mạc ở Kiên Lao có 5 chi, theo quy định tuần tự mỗi năm 1 chi sẽ đứng ra tổ chức rước kiệu từ từ đường chi về Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh từ đường họ Phạm gốc Mạc để hành lễ. Đám rước có sự tham gia của đội múa lân, phù giá, dàn nhạc… Sau khi đám rước yên vị, tại từ đường diễn ra các nghi thức: dâng hương, dâng lễ vật của các chi, ngành trong dòng họ. Chiều mồng 10 tháng hai âm lịch, tại từ đường tổ chức lễ Yến lão tôn vinh những người đại thọ, thượng thọ, đắc thọ trong họ tộc. Ngày nay, vào dịp này, dòng họ còn tổ chức phát động phong trào “Khuyến học - khuyến tài”, tuyên dương, trao thưởng con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Đến nay, dòng họ có 9 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ cùng hàng trăm cử nhân. Tất cả các con cháu trong họ đều thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chăm chỉ học hành để đền đáp công ơn của tiên tổ, dòng tộc.
Cùng với công tác khuyến học, khuyến tài, các dòng họ còn có nhiều việc làm thiết thực như: biên soạn, bổ sung gia phả, họp mặt nhận họ, tổ chức các hoạt động giỗ tổ, tọa đàm, hội thảo nhằm đánh giá công lao của thành viên trong dòng họ với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới. Ở mỗi địa phương, các dòng họ đang giữ vai trò quan trọng giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, đồng thời là chủ thể giải quyết kịp thời và có hiệu quả các xích mích bất hòa và tham gia vào những công việc chung như: cưới xin, tang lễ, hoạn nạn hay xây dựng nhà cửa của các thành viên trong dòng họ, qua đó tăng cường mối gắn kết trong dòng họ với cộng đồng làng xã, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình thờ các danh nhân của các gia tộc, dòng họ.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, hiện nay, các từ đường được xếp hạng di tích đều có Ban trị sự dòng họ trông coi, bảo vệ, hoạt động dưới sự giám sát của Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa địa phương; chính quyền các cấp và con cháu các dòng họ luôn thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo tồn di sản, góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.
Bài và ảnh: Viết Dư
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/giu-gin-net-dep-van-hoa-o-cac-tu-duong-dong-ho-df04bd3/