Nét đẹp truyền thống làng Mỹ Lâm

Nét đẹp truyền thống làng Mỹ Lâm
7 giờ trướcBài gốc
Đình làng Mỹ Lâm, xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn) - di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nhắc về việc lập làng, những người thuộc họ Phạm Văn, ở thôn Kênh Lâm, xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn) rất tự hào. Gia phả dòng họ Phạm Văn, có chép: Năm (1681) đời vua Lê Hy Tông, ông tổ dòng họ Phạm Văn, tên tự là Huệ Giác là người gốc làng Vệ Giữa, xã Quang Tiền (thuộc xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương ngày nay) làm quan trong triều, giữ chức Tri phủ Hoài Nhân (Hà Tây cũ, Hà Nội nay), khi về hưu, ông đưa vợ con xuống đây dựng nhà, sinh cơ lập nghiệp. Khi ấy nơi đây chỉ là khu đất rộng bỏ hoang, mấp mô gò đống, cỏ cây rậm rạp, ít người lui tới.
Cháu đời thứ 4 là ông Phạm Văn Lặt, tên tự là Trung Chất, một người có tư chất thông minh, học hành đỗ đạt, làm quan tại triều giữ chức Thiếu khanh. Ông là vị quan thanh liêm chính trực, có nhiều công trạng với đất nước. Vợ ông tên hiệu Từ Mẫn đã bỏ tiền mua thêm 23 mẫu điền thổ. Từ đây, con cháu dòng họ Phạm Văn đã biến vùng đất hoang vu ngày một phát triển, cơ nghiệp mỗi ngày thêm lớn. Vì thế, ông Phạm Văn Lặt cùng các con đã đội đơn vào triều xin lập làng. Sau mới có sự kiện triều đình phái Bảng nhãn Lê Quý Đôn trực tiếp về “đếm đinh, đạc điền kiến ốc” cho phép được lập làng và đặt tên làng là Mỹ Lâm.
Trong sơ lược lịch sử làng Mỹ Lâm, xã Quảng Đại năm 1998 viết rằng: “Làng Mỹ Lâm ven bờ con sông cổ nhà Lê. Sông nhà Lê chạy ven theo bờ biển dài 22km nối từ sông Mã - cửa Lạch Trào đổ ra cửa Ghép của sông Yên ở phía Tây xã Quảng Nham. Dòng sông lọt vào dải đất trũng phía nội đồng, sát với đất cao, liền kề cồn cát dài ven biển theo hướng Tây Nam qua: Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Nham”.
Tuy nhiên đến nay, do quá trình tụ cư ngày càng diễn ra nhanh, lại thêm tốc độ xây dựng lớn, làng nằm nép bên trong, cách sông khá xa.
Quay trở lại với đình làng Mỹ Lâm, sau khi ông Phạm Văn Lặt mất, vua Lê Hiển Tông đã ban sắc truy phong mỹ tự “Vĩnh an khuông quốc” và được Nhân dân trong làng suy tôn là Thành hoàng làng.
Về đình làng Mỹ Lâm, chúng tôi được ông Phạm Văn Loan và Phạm Văn Nậu giới thiệu: Lúc mới xây, đình gồm tiền đường, và nhà hậu cung 2 gian, thiết kế theo hình chữ “đinh”, bằng tre nứa tạm bợ. Đến năm 1929, đình được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn gồm ngôi tiền đường 5 gian và hậu cung; tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, vượng khí, quay mặt hướng chính Nam “đại cát”. Đình được trang trí khá tinh xảo với những mảng phù điêu bằng gỗ quý hình “Lưỡng long chầu nhật”, “Phượng hoàng vũ khúc”, “Cá chép hóa rồng vượt vũ môn”. Đặc biệt, các ông còn giới thiệu về bộ Triều phục của quan Thiếu khanh gồm: Mũ cánh chuồn, áo gấm, hia, hài và bộ đòn kiệu bát cống dài 8m phỏng theo hình rồng uốn khúc đang được dòng họ thờ cúng; và 7 đạo sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban cho làng, Thành hoàng làng.
Một góc của làng Mỹ Lâm, nay là thôn Kênh Lâm, xã Quảng Đại.
Nằm ngay giữa trung tâm làng Mỹ Lâm, đình làng Mỹ Lâm có không gian thoáng rộng. “Hằng năm, ở đình làng diễn ra 3 ngày lễ trọng, đó là: Mùng 1 tháng Giêng, 18 tháng 5 âm lịch và 12 tháng Chạp. Lễ lớn nhất, quy tụ con cháu về đây là ngày 12 tháng Chạp. Trước khi tế lễ, làng chồng kiệu và bài vị của các vị thần trước sân đình để làm lễ mộc dục (tắm cho các pho tượng bằng nước thơm), sau đó rước linh vị thần đi quanh làng cùng với tàn, dù, lộng... theo sau tiếp đến là dàn bát âm, thanh la, chiêng trống... Và cuối cùng là toàn bộ già trẻ gái trai, trong làng ngoài xã nối thành một hàng dài theo sau lễ rước kiệu”, ông Phạm Văn Loan cho biết.
Đình làng là nơi chứng kiến những thăng trầm của cộng đồng dân cư, nơi ghi lại dấu ấn thời gian. Cũng như nhiều ngôi đình xứ Thanh, đình Mỹ Lâm ngoài giá trị văn hóa truyền thống, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây ngày đêm dân quân, du kích tập luyện. Đây cũng là nơi tập kết vũ khí, súng ống đạn dược, quân lương của bộ đội ta trước khi vào Nam chiến đấu, nơi đưa tiễn các đoàn dân công, các đợt thanh niên tòng quân lên đường ra tiền tuyến, cũng là nơi đặt các lớp bình dân học vụ của địa phương từ những năm 30 đến năm 50 của thế kỷ XX. Đặc biệt, nơi đây còn là nơi thành lập tổ Đảng đầu tiên, tiền thân của chi bộ và Đảng bộ xã Quảng Đại ngày nay.
Ông Phạm Văn Nậu chia sẻ: Xã Quảng Đại hiện có 5 thôn, thôn Kênh Lâm người họ Phạm Văn chiếm 180/184 hộ của thôn. Trong họ có hương ước, có các tổ chức hội nhỏ như hội người cao tuổi, hội dâu con, hội tuổi trẻ vì thế mọi hoạt động đều được thực hiện nghiêm túc. Nhờ sự đồng thuận của bà con dòng họ Phạm Văn mà đình làng Mỹ Lâm được giữ gìn và tôn tạo khá khang trang.
Mặc dù đã được sáp nhập vào TP Sầm Sơn, tuy nhiên, đứng ở ngay đình làng, trong không gian văn hóa vùng đất Lương Xá xưa, một cảm giác khá thoải mái và thư thái. Người dân hiện nay không chỉ có nghề nông, nghề đi đánh moi, mà còn tham gia vào nhiều ngành nghề phụ khác, đi làm các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, như ông Phạm Văn Loan cho biết: “Tôi năm nay đã 85 tuổi, tôi vẫn nói với con cháu rằng, cho dù cuộc sống có hiện đại thế nào thì giá trị truyền thống vẫn là thước đo để con người vịn vào và đứng lên mà tạo dựng văn hóa, kinh tế cho cá nhân và cộng đồng. Tách ra khỏi cộng đồng, thì người quê có thể bị lạc lối”.
Có lẽ vì còn có những con người như ông Loan, ông Nậu mà những giá trị văn hóa của làng Mỹ Lâm vẫn còn được giữ gìn đến ngày hôm nay, đồng thời được phát huy trong quá trình XDNTM của xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn).
Bài viết có sử dụng tư liệu sách Di tích và danh thắng huyện Quảng Xương, tập 1; NXB Thanh Hóa; Địa chí huyện Quảng Xương, NXB Từ điển Bách khoa...
Bài và ảnh: CHI ANH
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/net-dep-truyen-thong-nbsp-lang-nbsp-my-lam-33510.htm