Giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái

Giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái
một ngày trướcBài gốc
Tiếng nói và chữ viết không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là linh hồn của văn hóa dân tộc. Đối với đồng bào Thái, chữ viết không chỉ thể hiện bản sắc mà còn là cầu nối truyền tải tri thức, phong tục tập quán, những câu chuyện dân gian đã được lưu giữ qua bao thế hệ.
Hội thi giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết các dân tộc thành phố Sơn La.
Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, như: Đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái; khuyến khích mở các lớp truyền dạy chữ Thái, mở các câu lạc bộ văn hóa Thái; tổ chức các hội thi, giao lưu văn hóa Thái nhằm khuyến khích thế hệ trẻ sử dụng và phát triển tiếng dân tộc...
Năm 2024, Thành phố đã xây dựng hệ thống thư viện cộng đồng “Ngôi nhà trí tuệ” là mô hình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, 100% các tổ, bản trên địa bàn đều có “Ngôi nhà trí tuệ”. Đây là một thư viện thu nhỏ, cung cấp sách, báo, tạp chí, bên cạnh đó, còn lưu giữ tài liệu về ngôn ngữ, văn học và phong tục tập quán của dân tộc Thái, giúp người dân tiếp cận tri thức và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhiều người trẻ tham gia thi chữ viết dân tộc Thái.
Vào trung tuần tháng 4 vùa qua, thành phố Sơn La đã tổ chức Hội thi Giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết các dân tộc thành phố với hình thức sân khấu hóa. Hội thi thu hút 21 thí sinh là người dân tộc Thái đến từ 12 xã, phường trên địa bàn Thành phố tham gia, thi hùng biện và thi viết chữ bằng tiếng Thái. Thông qua hội thi, không chỉ có các thí sinh tham gia nghiên cứu mà còn lan tỏa trong mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị, xã, phường cùng nghiên cứu, học tập.
Em Quàng Thị Thùy Linh, sinh năm 2013, là người nhỏ tuổi nhất tham gia phần thi hùng biện tại hội thi, em Linh chia sẻ: Trước đây tham gia các chương trình em thường sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Được tham gia hội thi sử dụng tiếng Thái em rất thích thú và tự hào, qua cuộc thi em được nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về tiếng dân tộc mình, giúp em được trau dồi vốn ngôn ngữ. Em mong có nhiều hội thi như thế này được tổ chức dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng để giúp gìn giữ, phát huy tiếng dân tộc Thái cho thế hệ trẻ.
Bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng 4.0, Thành phố cũng khuyến khích việc tận dụng mạng xã hội, như: YouTube, Facebook, Tik Tok để truyền tải các nội dung về đời sống văn hóa dân tộc Thái bằng tiếng Thái, các kênh này đăng tải video về lễ hội, nghệ thuật dân gian, giúp thế hệ trẻ tiếp cận dễ dàng hơn với ngôn ngữ và văn hóa dân tộc mình, được nhiều người theo dõi và chia sẻ.
Thí sinh tham gia thi hùng biện bằng tiếng Thái tại Hội thi Giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết các dân tộc Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố còn có 36 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái ở các xã, phường, thu hút hơn 1.000 người tham gia, trong đó, có các nghệ nhân, người cao tuổi thông thạo tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái. Các câu lạc bộ không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc mà còn tổ chức truyền dạy chữ Thái miễn phí; các lớp học đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các thành viên, với đủ các lứa tuổi tham gia học chữ viết của dân tộc mình.
Ông Cà Chung, thành viên câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái bản Noong La, xã Chiềng Ngần, cho biết: Là người dân tộc Thái, tôi luôn muốn văn hóa, chữ viết của dân tộc mình được lưu truyền cho các thế hệ sau này. Tôi đã sưu tầm các tài liệu về chữ Thái, mở lớp dạy chữ Thái miễn phí cho gần 100 học viên là người dân trong bản và xã, mừng nhất là có nhiều bạn trẻ đăng ký theo học.
Lớp học chữ Thái ở bản Noong La xã Chiềng Ngần, Thành phố.
Bà Lò Thị Mai Cương, bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, là một trong những người tiên phong trong việc bảo tồn và truyền dạy chữ Thái tại Sơn La. Với tấm lòng nhiệt huyết, bà đã mở các lớp học chữ Thái miễn phí hoặc tham gia giảng dạy ở các lớp do xã, phường trên địa bàn tổ chức, giúp nhiều thế hệ người dân biết đọc, viết chữ Thái và hiểu sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc.
Bà Cương chia sẻ: Lớp học của tôi không giới hạn độ tuổi, từ trẻ em đến người lớn đều có thể tham gia. Mỗi tuần, lớp học diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật, sau khi kết thúc 1 khóa học mọi người có thể đọc, viết được cơ bản, ngoài ra có cả các thầy, cô khác tạo điều kiện cho người dân có thể theo học mà không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
Bà Lò Mai Cương truyền dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy trực tiếp, bà Cương còn tận dụng công nghệ, xây dựng các video hướng dẫn học chữ Thái trên YouTube, Facebook giúp nhiều người có thể tự học dù không có điều kiện tham gia lớp học trực tiếp, đồng thời, mở rộng phạm vi tiêp cận, không chỉ trong cộng đồng người Thái ở Thành phố Sơn La mà còn trên khắp mọi miền. Các video hướng dẫn học chữ, các bài hát, câu chuyện dân gian bằng tiếng Thái đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Thái, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn di sản văn hóa của dân tộc mình. Những đóng góp của bà Lò Mai Cương không chỉ giúp bảo tồn chữ viết dân tộc Thái mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa.
Việc triển khai các hoạt động giữ gìn văn hóa chữ viết dân tộc Thái đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng người Thái tại Sơn La. Những nỗ lực này không chỉ giúp duy trì ngôn ngữ mà còn tạo động lực cho thế hệ trẻ tiếp tục học tập và sử dụng tiếng nói, chữ Thái trong đời sống hàng ngày.
Lam Giang
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-gin-tieng-noi-chu-viet-dan-toc-thai-aexGqzaHR.html