Giữ 'hồn trà' trong từng dáng ấm

Giữ 'hồn trà' trong từng dáng ấm
12 giờ trướcBài gốc
Ấm nào trà nấy
Là người mê trà lâu năm, anh Bùi Huy Thông (36A Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku) sở hữu hàng chục dáng ấm khác nhau, từ Tuyền Lô, Hồ Lăng, Tiếu Anh, Song Tuyền Trúc Cổ đến Thọ Đào, Báo Xuân Mai, Thủy Bình... Đó phần lớn là những chiếc ấm đất tử sa được làm thủ công, có giá trị hàng chục đến vài chục triệu đồng.
Vẻ đẹp về hình dáng và sự tinh tế trong chế tác khiến những chiếc ấm trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi cuộc trà. “Mỗi chiếc ấm hợp với một loại trà. Lâu ngày, ấm sẽ lưu hương loại trà thường pha, dù rửa sạch đến mấy cũng sẽ phảng phất hương trong lòng ấm”-anh Thông chia sẻ.
Ấm Hồ Lăng với hình cây cầu kiều trên nắp ấm-thuộc bộ sưu tập ấm của anh Bùi Huy Thông. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một chiếc ấm phù hợp sẽ giữ được nguyên vẹn “hồn trà”. Cũng vì lẽ đó, anh Thông sẵn sàng chi vài chục triệu đồng để có 1 chiếc ấm. Chiếc ấm đắt nhất mà anh từng sở hữu là ấm dáng Hồ Lăng hay còn gọi là Tứ Phương Kiều Đỉnh có giá hơn 20 triệu đồng. Trên nắp ấm có hình cây cầu kiều.
Còn ấm Tuyền Lô có màu lạ nhất trong bộ sưu tập của anh có giá gần 10 triệu đồng. Anh nâng niu chiếc ấm này và chỉ dùng để pha trà xanh Thái Nguyên. Ấm lên màu lục thẫm như tụ lại màu trà xanh trăm năm trên thân ấm.
Ấm Tuyền Lô có màu xanh lục như tụ lại màu trà xanh trăm năm trên thân ấm. Ảnh: Hoàng Ngọc
9Anh Thông chia sẻ: Những chiếc ấm anh sở hữu chỉ là những loại rất bình thường của dòng ấm tử sa. Nhưng giá trị của ấm không phụ thuộc vào tiền bạc mà nằm ở thời gian và sự gắn bó, ở quá trình nuôi ấm của mỗi người.
Mỗi chiếc ấm đều được anh chăm chút như một người bạn, chỉ dùng nước sạch rửa ấm và tráng ấm bằng nước sôi trước khi pha. Dùng lâu, chiếc ấm lên nước bóng mịn, đó cũng chính là quá trình “dưỡng ấm”. Mỗi lần chạm tay vào thân ấm bóng mịn phảng phất hương trà như được chạm vào một lớp thời gian đã lặng lẽ thấm qua bao cuộc trà cùng những người bạn tâm giao.
Mỗi loại trà một ấm riêng cũng là cách dùng ấm của anh Cao Thanh Dũng để giữ hương vị tinh khiết của trà. Ảnh: Hoàng Ngọc
“Mỗi loại trà một ấm riêng” cũng là nguyên tắc bất di bất dịch của anh Cao Thanh Dũng (20 Nay Der, TP. Pleiku). Anh Dũng sở hữu những chiếc ấm quý như: Tiếu Anh, Minh Lư, Song Tuyền Lục Trúc, Như Ý… Trong đó, ấm dáng Như Ý màu vàng mỡ gà có giá gần 30 triệu đồng được anh yêu thích nhất, chỉ dành riêng để pha bạch trà. Anh nói ấm nào trà nấy chính là cách để giữ được hương vị tinh khiết của trà.
Anh Dũng cũng rất cẩn thận trong khâu “dưỡng ấm”: rửa bằng nước sạch, sau đó cho vào máy sấy ở nhiệt độ phù hợp. Với anh, chiếc ấm không chỉ là dụng cụ pha trà mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, mang vẻ đẹp vượt thời gian.
Ấm Như Ý có màu sắc trang nhã thường được chủ nhân dùng để pha bạch trà. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thuộc thế hệ 9X nhưng anh Dũng khá hoài cổ. Anh còn làm một phòng trà trang nhã, hướng ra khu vườn yên tĩnh với những gốc bonsai. Về đêm, nguyệt quế trong vườn đẫm hương, len lỏi vào không gian thưởng trà.
Bên trong phòng trà nổi bật là bức tượng gỗ lũa thần trà Lục Vũ-một học giả uyên bác đời nhà Đường, người được mệnh danh là “Trà thánh”. Ông đã viết “Trà Kinh”-bộ sách đầu tiên về trà trong lịch sử nhân loại. Trong đó, ông không chỉ dạy cách nấu nước, chọn lá mà còn nhấn mạnh đến dụng cụ và tâm thế. Người uống phải tĩnh tại, tâm an mới có thể cảm được trọn vẹn vị trà.
Với anh Dũng, cũng như nhiều người mê trà khác, họ vẫn luôn mang tinh thần ấy trong mỗi cuộc trà. Ở đó, chiếc ấm là người bạn thầm lặng kết nối con người với phẩm chất của các loại trà.
“Tái sinh vụn vỡ”
Thú chơi ấm không tránh khỏi những lúc “vụn vỡ”. Anh Dũng từng mua được chiếc ấm dáng đài sen độc đáo với giá gần 20 triệu đồng. Ấm có dáng hệt như một đài sen già úp ngược từ màu sắc đến hình dáng, nắp ấm mang hình dáng cuống sen. Người thân không biết đó là chiếc ấm đất mà nghĩ là vật trưng bày nên khi cầm lên đã lỡ tay làm rơi vỡ chiếc nắp.
Đó cũng là chiếc ấm được nghệ nhân làm với số lượng hạn chế, chỉ vài bản trên thị trường. Anh Dũng vẫn cất giữ chiếc ấm không hoàn hảo và tìm cách để tái sinh vụn vỡ cho nắp ấm. Đối với người chơi ấm đất, những tai nạn đó là một phần không thể tránh khỏi.
Vết hàn gắn có màu vàng nhạt trên thân ấm Báo Xuân Mai như kể lại câu chuyện của chiếc ấm được người dùng nâng niu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Còn anh Thông cũng từng bị bể 2 chiếc ấm quý. Chiếc ấm Báo Xuân Mai bể quai được anh gửi vào TP. Hồ Chí Minh để gắn lại theo nghệ thuật Kintsugi-kỹ thuật hàn gắn gốm sứ truyền thống của người Nhật. Vết hàn gắn có màu vàng nhạt ấy không làm mất đi thẩm mỹ, ngược lại như một “vết sẹo đẹp” kể lại câu chuyện của chiếc ấm quý.
“Đôi khi cuộc sống cũng làm ta tan vỡ thành nhiều mảnh. Nhưng nếu biết cách tái sinh, nó lại càng đẹp hơn”-anh Thông chia sẻ. Chiếc ấm còn lại bị vỡ nát là ấm Liên Tử nhưng anh không nỡ vứt đi mà cẩn thận cất vào chiếc túi vải đặt cạnh những chiếc ấm nguyên vẹn, bởi đó cũng là chiếc ấm anh rất quý.
Một góc ấm tại Tâm Việt Trà. Ảnh: Hoàng Ngọc
Anh Nguyễn Quốc Tuân-Chủ cửa hàng Tâm Việt Trà (45/7 Phan Đình Giót, TP. Pleiku), một trong những người có thâm niên bán trà cụ ở phố núi cũng từng chứng kiến nhiều chuyện “vụn vỡ” éo le. Có khách hàng mua ấm giá 20 triệu đồng, về giấu vợ chỉ nói giá 500 ngàn đồng. Vợ đem rửa làm bể vòi, anh chỉ biết... ngậm bồ hòn chứ không dám nói thật. Với người chơi ấm, đôi khi giá trị không nằm ở tiền bạc mà đó còn là một dáng ấm rất khó tìm lại.
Anh Tuân cho biết thêm: Phàm những người mê trà đều mê ấm. Thú chơi ấm hiện nay không chỉ giới hạn trong lớp trung niên mà đã lan sang thế hệ 9X, thậm chí gen Z. Những chiếc ấm không còn là món đồ xưa cũ mà trở thành biểu tượng của sự chỉn chu trong thưởng trà và chiều sâu tinh thần của người uống trà.
Trong thời buổi mà mọi thứ đều có thể thay mới bằng công nghệ, những người như anh Thông, anh Dũng… vẫn chọn nâng niu một vết nứt, một nắp ấm vỡ, một mùi trà lưu hương qua thời gian. Bởi lẽ họ biết, có những thứ càng dùng lâu, càng sinh hương.
MINH CHÂU
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/giu-hon-tra-trong-tung-dang-am-post321224.html