Giữ mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Giữ mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
13 giờ trướcBài gốc
Tín dụng 6 tháng tăng gần 10%
Sáng 8/7, NHNN họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, từ chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng đến căng thẳng địa chính trị tăng. Rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: SBV
“Trong bối cảnh như vậy, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp. Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Trong đó, đáng chú ý là NHNN tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành ổn định, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí hợp lý, qua đó có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế thực. Cùng với đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và triển khai các giải pháp quản trị hiệu quả nhằm phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng với đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro, ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực thiết yếu và động lực tăng trưởng như công nghiệp chế biến, xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao… Đồng thời, siết chặt tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống.
Ngành ngân hàng tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng quy mô lớn, nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể: gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP; gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số, giao thông, điện lực, theo danh mục do các bộ, ngành công bố; tín dụng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, nâng quy mô lên 100.000 tỷ đồng…
“Nhờ loạt giải pháp đồng bộ, tín dụng toàn nền kinh tế đã có bước tăng tích cực ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2024 tín dụng tăng 6% - PV). Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.
Tỷ giá chịu áp lực do chính sách lãi suất thấp, dòng vốn ngoại rút mạnh
Mặc dù chỉ số đô la Mỹ (DXY) đã giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VNĐ vẫn tăng khoảng 2,7 - 2,8% trong 6 tháng đầu năm 2025. Tại cuộc họp báo, giải thích điều này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng để giữ giá trị đồng tiền thì điều kiện tiên quyết là đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn, thể hiện qua mức lãi suất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cần hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đã kiên trì theo đuổi chính sách duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã giảm thêm 0,6 điểm phần trăm. Việc duy trì mức lãi suất thấp kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay đã giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý hơn, song cũng đặt ra thách thức với điều hành tỷ giá. “Muốn duy trì lãi suất thấp thì phải chấp nhận đánh đổi, trong đó có áp lực lên tỷ giá,” ông Phạm Chí Quang nói.
Đồng thời, để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN tiếp tục giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Điều này khiến chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD bị âm, từ đó làm gia tăng nhu cầu nắm giữ ngoại tệ, dẫn đến áp lực đối với thị trường ngoại hối.
Ngoài yếu tố nội tại, diễn biến trên thị trường quốc tế cũng góp phần gây sức ép lên tỷ giá. Dù cán cân thanh toán và cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái thặng dư, nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán, liên tục rút ròng kể từ năm 2024. Sự dịch chuyển nhanh của dòng vốn ngoại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động tiếp tục tạo áp lực lớn lên thị trường ngoại hối trong nước.
Liên quan đến xu hướng của tỷ giá, lãi suất và thị trường vàng trong thời gian tới, ông Quang nhận định chúng sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Với độ mở kinh tế lớn, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam từng vượt 200%, các chính sách thương mại và thuế nhập khẩu từ phía Mỹ sẽ tác động đáng kể không chỉ đến dòng vốn đầu tư và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mà còn ảnh hưởng lan tỏa tới các đối tác thương mại lớn của nước ta.
Ông Quang cũng cho biết thêm, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm hoãn các đợt giảm lãi suất dự kiến trong năm nay, phần nào do ảnh hưởng từ chính sách thuế của chính quyền Trump, đang khiến thị trường toàn cầu thiếu định hướng rõ ràng. Dù lạm phát tại châu Âu và Nhật Bản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng tình hình tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Trong khi đó, Fed điều hành lãi suất dựa trên dữ liệu kinh tế thực tế, đặc biệt là số liệu việc làm - yếu tố vẫn đang ẩn chứa nhiều biến động.
Hà Lan
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/giu-mat-bang-lai-suat-thap-de-ho-tro-tang-truong-kinh-te-10379114.html