Bỏ room tín dụng là cần thiết
Mới đây, trong công điện về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến tới điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch.
"NHNN khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng", Công điện viết.
NHNN đã áp dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng kể từ năm 2012 trong bối cảnh lạm phát tăng cao lên 18,13% do hậu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng và nhập siêu, chi tiêu Chính phủ tăng liên tục kéo theo tổng cầu tăng. Trước đó, từ năm 2005 đến 2010, cung tiền và dư nợ tín dụng của Việt Nam tăng trưởng nóng, bình quân tốc độ tăng trưởng là 30%/năm. Lượng tiền lưu thông lớn trong khi lượng sản phẩm trong nước không gia tăng tương ứng dẫn đến lạm phát cao.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này tại họp báo (kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm) ngày 8/7 do NHNN tổ chức, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, việc điều hành bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) đã được diễn ra kể từ năm 2012 - là thời điểm có nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng nóng, bình quân 35%/năm, cá biệt có những năm tăng tới 54%.
Theo ông Quang, tốc độ tăng lớn vượt khả năng kiểm soát của các TCTD nên trong giai đoạn này nhiều tổ chức rơi vào bờ vực phá sản, lãi suất trên thị trường tăng rất cao, rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà băng. Để xử lý những vấn đề đó, kiểm soát lạm phát, duy trì sự an toàn của hệ thống ngân hàng từ 2012 NHNN đã triển khai việc điều hành bằng room tín dụng.
"NHNN đã tổ chức rất nhiều hội nghị trong và ngoài ngành lấy ý kiến các chuyên gia và nhận thấy rằng, vai trò của công cụ điều hành bằng hạn mức tín dụng đã có hỗ trợ rất tích cực với việc hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững, đặc biệt kiểm soát được sự an toàn của hệ thống", ông Quang nói và cho rằng, tất nhiên không có công cụ nào là vĩnh viễn. Đồng thời, trong bối cảnh kinh tế thị trường thì việc áp dụng biện pháp hành chính không thể mang lại hiệu quả tuyệt đối.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, để tiến tới việc bỏ hoàn toàn room tín dụng, NHNN cũng phải nghiên cứu, đưa ra các biện pháp hài hòa. Trong thời gian qua, NHNN nhận thức được đây là một giải pháp hành chính và cũng có những biện pháp và lộ trình để cải tiến phương pháp điều hành chính sách tiền tệ.
Cụ thể từ năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm. Đến 2025, NHNN dỡ bỏ giao chỉ tiêu cho các nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các định chế phi ngân hàng tại Việt Nam. Đến nay chỉ còn các ngân hàng trong nước là NHNN còn giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các khối khác đã dỡ bỏ hoàn toàn.
TS Huỳnh Trung Minh - Chuyên gia tài chính cũng đưa ra nhận định về chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu NHNN khẩn trương xem xét việc bỏ hạn mức tín dụng (room tín dụng) từ năm 2026 là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự chuyển mình từ cơ chế quản lý hành chính sang điều hành theo quy luật thị trường.
"Room tín dụng đã được NHNN sử dụng từ năm 2011 như một công cụ để kiểm soát quy mô tín dụng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, từ kiểm soát lạm phát đến ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, cơ chế này đã dần bộc lộ những điểm bất cập. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành sản xuất, bất động sản hay tiêu dùng, thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu vốn khi các ngân hàng bị giới hạn bởi “room”. Điều này làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng 8% trong năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo", TS Minh nói.
Cũng theo TS Minh, việc bỏ room tín dụng từ năm 2026 cho thấy Chính phủ muốn trao quyền tự chủ lớn hơn cho các ngân hàng thương mại, để họ linh hoạt phân bổ vốn dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực quản trị rủi ro. Đây là một tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ khơi thông dòng vốn và thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm. Việc bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng vượt qua rào cản “hết room”, vốn từng khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp kế hoạch kinh doanh.
Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh dựa trên năng lực thực sự, từ quản trị rủi ro đến chất lượng dịch vụ, thay vì phụ thuộc vào hạn mức được cấp. Điều này cũng giảm dần cơ chế “xin - cho”, tạo môi trường tài chính công bằng hơn.
Những điểm cần lưu ý khi bỏ room
Mặc dù lạc quan, song TS Huỳnh Trung Minh cũng nhận thấy một số rủi ro khi bỏ room tín dụng. Trước hết, bỏ room tín dụng có thể dẫn đến tăng trưởng tín dụng quá nóng nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Kinh nghiệm từ giai đoạn 2007-2011, khi tín dụng tăng đến 53% một năm, đã khiến lạm phát vọt lên 19%. Vì vậy, NHNN cần xây dựng bộ tiêu chí giám sát rõ ràng, dựa trên các chỉ số như tỷ lệ an toàn vốn, nợ xấu và thanh khoản.
Thứ hai, sự chênh lệch về năng lực giữa các ngân hàng có thể tạo ra sự phân hóa. Những ngân hàng mạnh sẽ dễ dàng mở rộng tín dụng, trong khi các ngân hàng yếu hơn có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh. Điều này đòi hỏi NHNN phải tăng cường giám sát và sử dụng các công cụ chính sách hiện đại như lãi suất điều hành hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Bên cạnh đó, TS Minh cho rằng sẽ có tác động đến các lĩnh vực ưu tiên. Chính phủ đang nhấn mạnh việc định hướng tín dụng vào các lĩnh vực như nhà ở xã hội, đặc biệt cho người trẻ và lao động thu nhập thấp, với các gói vay ưu đãi lãi suất dưới 4%/năm và thời hạn lên đến 20-25 năm. Đây là một hướng đi đúng đắn, nhất là khi năm 2024 chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, thấp xa so với mục tiêu 130.000 căn. Bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc cấp vốn cho các dự án này, đồng thời hỗ trợ các lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng tái tạo và tiêu dùng.
"Để đảm bảo thành công, NHNN cần thực hiện một lộ trình rõ ràng. Trước hết, cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát rủi ro chặt chẽ, đánh giá năng lực từng ngân hàng để tránh tăng trưởng tín dụng thiếu kiểm soát. Thứ hai, cần tăng cường giám sát hệ thống, sử dụng các công cụ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc để duy trì ổn định tài chính. Cuối cùng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục vay và giảm chi phí, từ đó hạ lãi suất cho vay, mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân", TS Minh nhấn mạnh.
Quyết định bỏ room tín dụng từ năm 2026 là một cải cách táo bạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong việc xây dựng một hệ thống tài chính hiện đại và bền vững. Nếu được triển khai đúng cách, đây sẽ là động lực mạnh mẽ để khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các mục tiêu phát triển dài hạn. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính, thành công của chính sách này phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, các ngân hàng và các cơ quan liên quan.
PGS TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, hạn mức tín dụng đã được NHNN áp dụng trong 14 năm nên cũng cần dỡ bỏ biện pháp hành chính này để phù hợp theo cơ chế thị trường.
"Việc bỏ room tín dụng là cần thiết, nhưng chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm từ bài học lịch sử giai đoạn trước, khi tăng trưởng tín dụng nóng từ năm 2007 - 2010 dẫn đến lạm phát ở mức cao, dẫn đến hệ lụy. Việc sử dụng room tín dụng như một van điều tiết dòng tiền ra thị trường nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo lạm phát trong tầm kiểm soát", PSG TS Huân cho biết thêm.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Chí Quang cho hay, NHNN sẽ nghiên cứu tác động chính sách rất kỹ lưỡng để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình dỡ bỏ room tín dụng trong thời gian tới. Khi những hệ lụy của quá khứ vẫn còn tồn tại, những khó khăn của tổ chức tín dụng vẫn còn tồn tại, thì để đảm bảo có giải pháp xử lý tổng thể, toàn vẹn, hài hòa, NHNN cần có chính sách phù hợp với đặc thù của Việt Nam để đảm bảo vừa tăng tính tự chủ của các TCTD vừa đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh kinh tế, kiểm soát lạm phát .
"Để thực hiện mục tiêu, các tổ chức quốc tế như IMF cũng đã đưa ra những khuyến nghị với Việt Nam rằng, nếu bỏ room thì NHNN cần có tính chủ động rất cao trong các quyết sách điều hành lãi suất. Bởi vì, khi bỏ room tín dụng thì chắc chắn dư nợ tín dụng nhiều tổ chức sẽ tăng cao, lãi suất cũng sẽ tăng cao. Do đó, để thực hiện chỉ đạo tiến tới bỏ room tín dụng, NHNN sẽ nghiên cứu tác động chính sách rất kỹ lưỡng để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình dỡ bỏ room tín dụng trong thời gian tới", ông Quang nhấn mạnh.
Thùy Vinh