Thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho hay, thực tiễn cũng cho thấy, sau khi sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và đến nay là TP Hải phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị một cấp và cho thấy mang lại hiệu quả rất tốt.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn. Điều này cũng không trái với Hiến pháp.
Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, trong khi chưa đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, trong khi chưa thể đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị. Ảnh: Quochoi.vn
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, trong khi chưa thể đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển phát triển đất nước...
Tham gia tranh luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, Luật Thủ đô 2024 cũng như một số nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương đã quy định cấp trên được điều chỉnh trình tự thủ tục khi ủy quyền cho cấp dưới theo quy định của Luật, Nghị quyết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) tranh luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm, cơ chế để cơ quan nhà nước ở Trung ương theo dõi, điều chỉnh trình tự, thủ tục để các cơ quan được giao quyền thực hiện hiệu quả.
Bảo đảm bộ máy chính quyền vận hành thông suốt khi sắp xếp, tinh gọn
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cốt lõi, trọng tâm của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương là phân định, làm rõ, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương để thực hiện phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Đồng thời, bảo đảm tính ổn định trước mắt để vận hành bộ máy chính quyền địa phương thông suốt trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình. Ảnh: Quochoi.vn
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trong bối cảnh chúng ta đang tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị, nên trước mắt Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành.
Nếu không tạm thời giữ nguyên sẽ có sự hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức chính quyền địa phương và mô hình chính quyền địa phương. Với địa phương đang thí điểm chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận, phường) theo các nghị quyết của Quốc hội thì vẫn có thể tiếp tục thực hiện, không có gì vướng mắc.
“Ngoài ra, trong bối cảnh tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết và mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án tạm thời giữ nguyên như hiện hành.
Hồng Thái