Qua các kỳ Đại hội Đảng, nhiều chủ trương, đường lối và định hướng đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để phù hợp với đặc điểm từng khu vực, từ đô thị, nông thôn đến hải đảo.
Thực tế, sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 được ban hành, các đô thị lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã được Quốc hội cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Kết quả cho thấy, việc triển khai tại các địa phương này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính đang được đẩy mạnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, việc tổ chức chính quyền địa phương cũng cần được xem xét, thiết kế lại sao cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng, đặc biệt là khu vực đô thị và nông thôn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng: "Chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, vì vậy tổ chức chính quyền địa phương cũng cần được thiết kế lại sao cho phù hợp với đặc điểm của đô thị và nông thôn. Điều này hoàn toàn không trái với Hiến pháp. Trong khi chưa thể đổi mới toàn diện ở nông thôn, cần mạnh mẽ đổi mới mô hình chính quyền ở đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc sửa lại khoản 2, 3 của điều này cho phù hợp."
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng: "Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sau khi ban hành cần có tính ổn định lâu dài. Khi chưa thể đổi mới mô hình chính quyền ở nông thôn, chúng ta cần tập trung đổi mới mạnh mẽ ở đô thị, tương tự như những địa phương đang thí điểm hiệu quả. Đây sẽ là động lực thúc đẩy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước".
Bên cạnh việc đổi mới mô hình chính quyền địa phương, vấn đề phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cũng cần đi kèm với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh thêm: "Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Điều 4 đã được thiết kế theo tư duy chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng là: 'địa phương biết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm', nhằm khơi thông nguồn lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, nếu không có những thiết chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, rất có thể sẽ xảy ra tiêu cực, thậm chí là tình trạng tha hóa quyền lực ở địa phương. Vì vậy, cần bổ sung vào Điều 4 của dự thảo luật những quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong quá trình phân cấp, phân quyền và ủy quyền".
Thu Trang
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-can-xem-xet-than-trong-302998.htm