Giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu cho hai quý cuối năm

Giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu cho hai quý cuối năm
10 giờ trướcBài gốc
Theo Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 219,34 tỷ USD, tăng 14,2%, tương ứng tăng 27,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh xuất khẩu vượt kỳ vọng
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm là điểm sáng quan trọng, tạo dư địa giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm nay.
Tuy nhiên, áp lực 2 quý cuối năm sẽ không nhỏ. Nhiều rủi ro đã và đang xuất hiện. Biến động địa chính trị toàn cầu, nhất là xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Trung Đông đã đẩy chi phí logistics tăng cao. Tuyến Biển Đỏ, Kênh Suez bị gián đoạn, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải điều chỉnh tuyến vận chuyển, tăng chi phí thêm 20-30%.
Thị trường Mỹ, EU cũng ngày càng siết tiêu chuẩn “xanh”, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Hàng loạt lô hàng nông sản, thủy sản Việt Nam đã bị trả về chỉ trong quý II/2025.
Doanh nghiệp cần giữ vững thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường mới
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận xét, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ nhu cầu phục hồi. Nhưng các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe. Nếu không kiểm soát tốt chất lượng, nguy cơ bị “cấm cửa”, trả hàng sẽ rất lớn. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nhiệm vụ quan trọng nhất nửa cuối năm là giữ vững xuất khẩu. Tuy nhiên, duy trì được tốc độ tăng 14% như 6 tháng đầu năm là thách thức lớn khi nhu cầu toàn cầu có thể chững lại, lãi suất quốc tế còn cao và xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã nêu rõ 4 nhóm giải pháp trọng tâm: Giữ vững thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường mới; Kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc; Giảm chi phí logistics, hạ giá thành sản phẩm.
Hiện chi phí logistics Việt Nam vẫn chiếm khoảng 18-20% GDP, vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực. Bộ Công Thương đang kiến nghị giảm phí cảng biển, phát triển hạ tầng kho lạnh và logistics nội địa; Đẩy mạnh chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng.
Việt Nam vẫn xuất khẩu nhiều mặt hàng thô hoặc sơ chế với giá trị gia tăng thấp. Cà phê là ví dụ điển hình, khi đẩy mạnh chế biến sâu, giá xuất khẩu tăng mạnh, đem về mức kỷ lục hơn 5,5 tỷ USD chỉ trong 6 tháng.
Song song với giải pháp ngành hàng, nhiều chuyên gia nhấn mạnh cải cách thể chế là điều kiện nền tảng để duy trì xuất khẩu bền vững.
Theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2025 phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư - sản xuất - xuất nhập khẩu. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng quan trọng là phải triển khai thực chất. Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về chi phí không chính thức, kiểm dịch rườm rà, xin giấy phép mất nhiều thời gian.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối mặt áp lực lớn trong 2 quý cuối năm 2025
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, chúng ta cần một môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản, hỗ trợ được cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ. Không chỉ là giấy phép, mà còn là vốn vay, đất đai, hạ tầng…
Các giải pháp không thể là ngắn hạn, mà phải có tầm nhìn dài hạn. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể duy trì đà xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% cho cả năm 2025 và xây dựng một nền kinh tế tự cường, bền vững trong bối cảnh thế giới biến động.
Đức Hiền
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/giu-vung-da-tang-truong-xuat-khau-cho-hai-quy-cuoi-nam-166818.html