Cách đây hàng trăm ngàn năm, con người lần đầu tiên biết tạo ra lửa. Đó là một bước ngoặt vĩ đại, biến Homo sapiens từ sinh vật yếu thế trở thành trung tâm của thế giới sinh học. Ngọn lửa giúp xua đuổi thú dữ, nấu chín thức ăn, sưởi ấm trong băng giá và kéo dài sự sống. Lửa mở đầu cho chuỗi văn minh, nơi con người không chỉ sinh tồn, mà còn sáng tạo.
Nhưng cùng với ánh sáng rực rỡ ấy, lửa cũng từng thiêu rụi nhà cửa, phá hủy mùa màng và đôi khi, thiêu rụi chính sự sống của con người. Lịch sử cho thấy: lửa là công cụ, nhưng cách sử dụng nó mới là điều quyết định.
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo
Ngày nay, loài người đang đối mặt với một “ngọn lửa” mới – Trí tuệ nhân tạo (AI). Không hiện diện bằng lửa đỏ hay tro tàn, AI là sự kết nối của hàng tỉ “nơ-ron nhân tạo” – một cấu trúc mô phỏng não bộ con người, nhưng có thể học nhanh hơn, nhớ lâu hơn và không mệt mỏi.
AI có thể viết văn, dịch thuật, sáng tác nhạc, chẩn đoán y khoa, phân tích dữ liệu khổng lồ trong tích tắc. Nó hiện diện trong lớp học, trong điện thoại, trong bệnh viện, ngân hàng, tòa soạn, nhà máy… Một thứ công nghệ từng được xem là viễn tưởng, giờ đây trở thành hiện thực và làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và học tập.
Một lần nữa, đó là innovation. Một sự đổi mới tạo ra cả kì vọng và lo âu. Nếu lửa từng đốt cháy một mái nhà, thì sự thiếu hiểu biết trong sử dụng AI có thể “đốt cháy” toàn bộ hệ giá trị: từ khả năng tư duy độc lập, đạo đức nghề nghiệp, cho đến bản sắc văn hóa và nhân văn.
Ảnh minh họa: nguồn VinUni
AI: Công cụ của trí tuệ hay mối đe dọa tiềm ẩn?
AI không phải kẻ thù. Giống như lửa, nó không có đạo đức, không có mục tiêu. Nó chỉ làm những gì được thiết kế để làm và thường làm rất tốt. Vấn đề là chúng ta - những con người - sẽ sử dụng nó như thế nào?
Nếu chỉ nhìn AI như một công cụ để tiết kiệm thời gian, để trả lời thay học sinh, để soạn bài thay giáo viên, chúng ta đang rút ngắn quá trình học, nhưng cũng rút cạn năng lực tư duy.
Nếu học sinh dựa hoàn toàn vào AI để viết văn, làm toán, dịch thuật, tra cứu… thì điều còn lại trong trí óc các em là gì?
Nếu giáo viên sử dụng AI chỉ để “cho nhanh”, “cho tiện”, mà không hướng dẫn cách sử dụng có trách nhiệm, chúng ta đang bỏ quên chính điều làm nên sự khác biệt của con người: tư duy, cảm xúc và đạo đức.
Giáo dục - ngọn lửa thứ hai cần được thắp sáng
Lửa đầu tiên đã giúp chúng ta sống sót. Nhưng giáo dục - ngọn lửa thứ hai - mới là thứ giúp chúng ta sống có ý nghĩa.
Trong kỉ nguyên AI, giáo dục không thể tiếp tục là truyền đạt thông tin một chiều. Kiến thức không còn nằm ở người thầy, mà trôi nổi khắp nơi - trên mạng, trong máy và giờ đây trong chính các mô hình trí tuệ nhân tạo.
Chúng ta cần làm gì?
Chúng ta cần một sự đổi mới tận gốc - đổi mới tư duy giáo dục. Không chỉ đổi mới chương trình hay phương pháp, mà đổi mới từ câu hỏi nền tảng: “Giáo dục là gì trong thời đại AI?”
Câu trả lời không phải là “học để làm việc”, mà là học để làm người, học để hiểu mình, hiểu người khác, hiểu thế giới và sống có trách nhiệm trong một thế giới ngày càng phức tạp và biến động.
Những gợi mở
Thứ nhất, từ truyền đạt sang kiến tạo. Giáo viên không còn là người "đưa kiến thức vào đầu học sinh" mà là người kiến tạo môi trường học tập, khơi dậy sự tò mò, dẫn dắt hành trình khám phá và giúp học sinh phát triển năng lực tự học.
Thứ hai, từ dạy cái chắc chắn sang dạy cách đặt câu hỏi. Thế giới không còn ổn định. Câu trả lời của hôm nay có thể sai vào ngày mai. Hơn lúc nào hết, giáo dục phải dạy kĩ năng đặt câu hỏi tốt, chất vấn đúng chỗ và phản biện có cơ sở.
Thứ ba, từ chuẩn hóa sang cá nhân hóa. AI có thể giúp cá nhân hóa quá trình học - nhưng cần người thầy định hướng đúng. Mỗi học sinh là một vũ trụ. Giáo dục cần đi vào chiều sâu của từng người, chứ không chỉ chạy theo chuẩn chung.
Thứ tư, từ kiểm tra kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực. Giáo dục không chỉ để nhớ, mà để hành động. Học sinh cần được đánh giá không chỉ bởi điểm số, mà bởi khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cảm thông và thích nghi.
Thứ năm, từ dạy công cụ sang dạy trách nhiệm với công cụ. Sử dụng AI không khó. Nhưng sử dụng AI một cách có trách nhiệm, có đạo đức, có giới hạn, đó là điều giáo dục phải trang bị. Cần dạy học sinh biết rằng: không phải lúc nào máy làm được thì người cũng nên làm theo.
Thầy cô - người giữ lửa nhân văn
Giữa cơn bão AI, người thầy vẫn là trái tim của giáo dục. Nhưng để giữ được ngọn lửa ấy, thầy cô cũng phải sẵn sàng thay đổi. Không sợ AI, không né tránh AI, mà hiểu nó, làm chủ nó và dùng nó như một người thợ dùng lửa, để thắp sáng, không phải để thiêu rụi.
Người thầy thời đại mới không cần biết mọi thứ, nhưng cần biết cách truyền cảm hứng học tập suốt đời, giúp học sinh làm chủ công cụ mà không đánh mất mình.
Đổi mới giáo dục – không chỉ là một lựa chọn, mà là mệnh lệnh
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà đổi mới không còn là khẩu hiệu. Nó là điều kiện sống còn của giáo dục.
Nhìn về quá khứ, lửa từng là biểu tượng của văn minh. Nhìn về tương lai, AI có thể là động cơ phát triển mạnh mẽ nhất.
Nhưng chính giáo dục mới là “ngọn lửa thứ hai”, giúp chúng ta phân biệt đúng sai, giữ lại phẩm giá con người giữa những bộ não nhân tạo và xây dựng một thế hệ biết cách sử dụng công nghệ để làm người, chứ không để đánh mất mình. Và người thầy - người giữ ngọn lửa ấy - chính là trung tâm của mọi đổi mới.
Hướng Sáng