Cuối năm 2024, thời điểm được cho là mùa bội thu của ngành ẩm thực và đồ uống (F&B), thì tại TP.HCM nhiều đơn vị lại chọn đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô, thậm chí thay đổi mô hình kinh doanh.
Nhiều thương hiệu quen mặt đóng cửa, thu gọn mô hình
Chị Trúc Quỳnh, quận 3, TP.HCM cho biết, chị khá bất ngờ và tiếc nuối khi chi nhánh The Coffee House trên đường Rạch Bùng Binh, quận 3 đóng cửa. Đây là quán cà phê quen thuộc mà chị đã ngồi suốt 8 năm qua.
Chi nhánh quận 3 của chuỗi The Coffee House đã đóng cửa trả mặt bằng. ẢNH: THU HÀ
Không chỉ đóng bớt chi nhánh tại TP.HCM, trên ứng dụng của mình, The Coffee House cũng gửi thông báo tới thành viên của chuỗi: Từ ngày 1-1-2025, cửa hàng The Coffee House tại phường 1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang sẽ chính thức đóng cửa. Như vậy sau năm 2025, chuỗi cà phê này sẽ chính thức rút khỏi Tiền Giang.
Theo số liệu trên website của thương hiệu, tính tới ngày 24-12 vừa qua, số lượng chi nhánh còn 94 cửa hàng tại 10 tỉnh và thành phố, giảm 23 cửa hàng so với ngày 31-7-2024.
Vào thời điểm tháng 8, chia sẻ với PLO, ông Ngô Nguyên Kha, Tổng giám đốc The Coffee House nhìn nhận, việc đóng cửa một số cửa hàng là theo định hướng kinh doanh. Điều này nhằm tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động, đảm bảo hiệu quả kinh doanh của toàn hệ thống.
Giữa tháng 12, chuỗi cà phê có tên "Tiệm trà tháng 4" cũng thông báo sẽ đóng nốt chi nhánh cuối cùng của chuỗi tại quận 3, sau năm năm hoạt động. Trước đó vào tháng 7, chuỗi này đã đóng cửa 3 chi nhánh khác tại Phú Nhuận và quận 10. Thông tin trên đã gây tiếc nuối cho giới trẻ, bởi đây là chuỗi cà phê check-in nổi tiếng tại TP.HCM.
Trước đó không lâu, tiệm cà phê Monkey in Black của chuyên gia khởi nghiệp Tùng BT (Trần Thanh Tùng) cũng thông báo đóng nốt chi nhánh cuối cùng tại TP.HCM.
Hay Laha Coffee cũng thông báo "dừng hoạt động vĩnh viễn" đối với chi nhánh tại Lotte Mart Gò Vấp, và dự kiến sẽ mở mới chi nhánh tại Sóc Trăng.
Không chỉ các cửa hàng cà phê, ngay cả iPos.vn - đơn vị cung cấp giải pháp cho ngành ẩm thực và đồ uống đã đóng một số văn phòng không hiệu quả.
Trong năm 2023, công ty đã đóng cửa các văn phòng tại Quảng Ninh, Nam Định, An Giang và Vũng Tàu. Đến năm 2024, đóng thêm một văn phòng tại Thanh Hóa, do cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng sau đợt bão lớn.
Ông Trương Văn Trực, Phó tổng giám đốc iPOS.vn cho biết, trong bối cảnh có hơn 30.000 điểm F&B đóng cửa trong nửa đầu năm 2024, thì iPos.vn cũng phải đóng cửa một số văn phòng hoạt động không hiệu quả, để tối ưu chi phí.
Tuy vậy, nhân sự ở các văn phòng đóng cửa vẫn được giữ lại theo nguyện vọng, và có phúc lợi tương đương với các nhân sự khác trên toàn quốc. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thương hiệu đang sử dụng giải pháp của iPOS.vn tại khu vực đó không bị ảnh hưởng.
Ông Trực cũng tiết lộ sẽ có kế hoạch mở lại các văn phòng trong năm 2025, trong đó có Thanh Hóa, khi nền kinh tế hồi phục.
Nhiều áp lực
Nói với PLO, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn Fnb Director và Horeca Business School cho rằng, không chỉ cà phê mà dịch vụ ăn uống cũng đang trong giai đoạn "đại thanh lọc".
"Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực lớn từ chi phí, sức mua, và hành vi tiêu dùng liên tục thay đổi. Điều này dẫn tới cuộc đào thải tự nhiên đối với những mô hình kém hiệu quả, và thiếu chiến lược bài bản" - ông Thanh nói.
Qua phân tích thị trường, ông Thanh chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân khiến nhiều đơn vị F&B mà cụ thể là ngành cà phê đóng cửa, bao gồm: thiếu kế hoạch kinh doanh, kiểm soát chi phí kém và mô hình kinh doanh lỗi thời.
Bản thân ông Tùng BT cũng tiết lộ lý do khiến ông và đối tác đóng cửa Monkey in Black là do mô hình quán hiện đã cũ, và ít có lời. Do đó việc đóng cửa được xem là cách chốt lỗ đúng lúc, lỗ ở đây là lỗ về chi phí cơ hội và công sức bỏ ra.
Cần bình thường hóa việc kinh doanh không suôn sẻ. ẢNH: TÙNG BT
Vị này cũng cho rằng cần bình thường hóa việc kinh doanh không suôn sẻ, việc đóng - mở là quy luật thị trường.
Dù liên tục mở mới chi nhánh nhưng ông Văn Phú Viễn Phương, Nhà sáng lập và điều hành chuỗi Tis Coffee vẫn nhấn mạnh thị trường đang quá nhiều áp lực.
Trong đó, ngoài áp lực từ việc mở rộng rầm rộ của các chuỗi cà phê có nguồn vốn từ nước ngoài thì sự cạnh tranh bởi các mô hình take away (mang đi) đã tạo ra nhiều "cửa khó" cho cà phê mô hình tại chỗ.
Ông Phương phân tích, vốn dĩ ngành cà phê từ cuối 2023 tới nay đang chứng kiến đà tăng cao của nguyên nhiên vật liệu. Trong khi đó, cà phê mang đi, nhất là các mô hình vỉa hè lại không chịu tiền mặt bằng, nhiều khi còn lấn chiếm vỉa hè, không phải đóng thuế... nên giá bán rẻ hơn, vô tình cũng khiến khách hàng có sự so sánh.
"Giá cà phê vỉa hè rất rẻ, một ly cà phê có thể chỉ 12.000 - 15.000 đồng, nhưng trong quán cà phê mức giá phải từ 20.000 đồng trở lên mới cân đối được chi phí bỏ ra" - ông Phương lý giải.
Quản lý của một chuỗi cà phê khác tại Gò Vấp (TP.HCM) thì lại đau đầu với câu chuyện khách gọi một ly cà phê 29.000 đồng nhưng ngồi từ sáng tới chiều trong phòng máy lạnh.
"Hiện nay chúng tôi đã có kế hoạch điều chỉnh lại giá bán, phân khu vực làm việc và khu vực cà phê nhanh cho khách, đồng thời đang sắp xếp lại không gian để tối ưu thêm nhiều chỗ ngồi, gia tăng thêm bàn và món ăn phụ đi kèm" - vị này bộc bạch.
Mô hình cà phê đẹp, tinh gọn quyết đấu thị trường
Theo ghi nhận của PV, hiện nay các thương hiệu trà, cà phê vẫn đang liên tục trang trí tiệm theo các phong cách giáng sinh, lễ tết.
Trước khi thông báo đóng cửa, anh Châu Trung Nghĩa, quản lý Tiệm trà tháng tư (quận 3) cho biết, từ hai tháng trước quán đã chi hàng trăm triệu đồng để trang trí quán trong dịp Giáng sinh, mà không phụ thu. Việc đầu tư với hy vọng sẽ mang đến lượng khách đều đặn và liên tục.
Trong khi đó, nhiều chuỗi cà phê như Katinat, Phê La... lại luôn chọn các vị trí mặt bằng đắc địa và trang trí đẹp, ra bộ sưu tập ly theo phong cách Giáng sinh, mùa đông, lễ tết... để thu hút giới trẻ chụp hình check-in và sử dụng dịch vụ.
Ông Viễn Phương nhìn nhận, rõ ràng thị trường cà phê hiện nay đang diễn ra theo xu hướng "đẹp đấu ngon". Bên cạnh đó, vị này cũng thông tin Tis Coffee đang theo đuổi mô hình tinh gọn, phù hợp với tệp khách hàng mà thương hiệu nhắm tới.
"Ở thời điểm hiện tại, mô hình tinh gọn đang được áp dụng rất nhiều và có thể kéo dài cho đến hết quý 3-2025. Tuy nhiên các đơn vị cần lưu ý, mô hình này vẫn mang tính thời điểm, tức lựa chọn đúng lúc để phát huy thế mạnh, phù hợp với tệp khách hàng" - ông Phương nói.
Nhìn nhận chung về thị trường, ông Đỗ Duy Thanh vẫn kỳ vọng năm 2025, thị trường sẽ hồi phục, nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức như chi phí hoạt động tăng, chính sách thuế mới...
Cụ thể, chi phí hoạt động qua các nền tảng Food App sẽ tiếp tục gia tăng. Thuật toán của các ứng dụng này thay đổi yêu cầu DN phải đầu tư mạnh hơn vào ưu đãi, quảng cáo và các chiến dịch giữ chân khách hàng.
"Dù vậy, thị trường F&B nước ta vẫn luôn được đánh giá là năng động. Mặc dù các đơn vị FDI đang mở rộng quy mô và hiện diện nhưng chỉ chiếm phần nhỏ, chưa tới 10%. Phần lớn thị trường vẫn thuộc về trong nước. Điều này cho thấy dự địa phát triển cho các đơn vị nội địa vẫn rất lớn, miễn là có chiến lược đúng đắn và tư duy đổi mới" - ông Thanh nói.
Ở góc độ kinh doanh, ông Viễn Phương cũng nhìn nhận, sự tăng trưởng sẽ có nhưng chậm bởi những khó khăn chung của thị trường lẫn giá cả đầu vào. Tuy nhiên, ông Phương cho biết, rất có thể năm 2025 mô hình trà sẽ vượt trội, thị trường cũng sẽ chứng kiến thêm sự gia nhập các chuỗi trà trên thế giới.
Tận dụng mạng xã hội
Bà Đinh Thị Diễm Thúy, Giám đốc phát triển thị trường của Buzzmetrics, đơn vị nghiên cứu mạng xã hội (MXH), cho biết người Việt dành trung bình 6 tiếng/ngày để sử dụng Internet và MXH. Chưa kể, người Việt còn sử dụng trung bình khoảng 6 nền tảng MXH khác nhau/tháng.
Bà Thúy cho rằng, điều này thể hiện ảnh hưởng lớn của MXH đến hành vi mua sắm, suy nghĩ và ưu tiên của người dùng. Vì thế, các doanh nghiệp nên tận dụng, chú trọng xây dựng hệ sinh thái đa kênh, trong đó chú trọng phát triển và xây dựng thương hiệu trên MXH.
THU HÀ