Dự thảo Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể về định hướng phân luồng sau khi hoàn thành THCS và hoàn thành THPT, với lựa chọn học tiếp, học nghề hoặc tham gia thị trường lao động. (Ảnh: MOET)
Tạo hành lang pháp lý, tác động tích cực tới người học và thị trường lao động
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 và triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030.
Theo Bộ GD&ĐT, Nghị định được ban hành với mục tiêu kép, vừa tạo dựng hành lang pháp lý vững chắc cho công tác hướng nghiệp và phân luồng, vừa thay đổi nhận thức xã hội về giá trị của giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy việc lựa chọn nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội; thể hiện sự toàn diện và tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Dự thảo Nghị định hướng đến việc xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, khả thi, quy định chi tiết về nguyên tắc, nội dung, biện pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Điều này giúp nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, phân luồng, tạo điều kiện để học sinh lựa chọn lộ trình học tập và nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng cá nhân. Cùng đó, giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Theo dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 14 điều, bao quát toàn diện các khía cạnh của công tác hướng nghiệp và phân luồng. Về nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng, dự thảo Nghị định quy định 4 nguyên tắc nhằm bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng học sinh và nhu cầu phát triển nhân lực gồm: bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền được định hướng nghề nghiệp và được tôn trọng lựa chọn hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh; bảo đảm tính hệ thống, liên tục; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định nội dung hướng nghiệp trong giáo dục bao gồm: giáo dục nhận thức về các con đường học tập và nghề nghiệp; cung cấp thông tin về ngành nghề, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của xã hội; đánh giá năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của học sinh; hướng dẫn lập kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp với định hướng nghề; phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết;...
Với các quy định cụ thể, khi được thông qua, dự thảo Nghị định sẽ giúp công tác phân luồng hiệu quả hơn, góp phần giảm áp lực cho các trường đại học, tăng tỷ lệ học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao của xã hội. Về lâu dài, chính sách này sẽ gắn kết chặt chẽ hơn giữa giáo dục và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Cần tháo gỡ “vướng mắc” trong tâm lý và tuyển sinh GDNN và GDTX
Tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục thường xuyên (GDTX) năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời gian gần đây, hệ thống GDNN, GDTX đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh GDNN, GDTX vẫn còn những khó khăn trong nhận thức của xã hội về GDNN, GDTX…
Thứ trưởng yêu cầu GDNN, GDTX triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyển sinh năm 2025 tại địa phương; thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối giữa học sinh phổ thông với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Về công tác tuyển sinh chương trình GDTX cấp THPT, Phó Cục trưởng Cục GDNN và GDTX Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, công tác giao chỉ tiêu tuyển sinh chương trình GDTX cấp THPT được thực hiện trên cơ sở tổng hợp nhu cầu, điều kiện tổ chức thực hiện và kiểm tra thực tế tại các đơn vị có đề xuất tổ chức lớp GDTX cấp THPT. Theo ông Bình, nhìn chung, công tác tuyển sinh các trình độ trong GDNN, tuyển sinh trung cấp, cao đẳng có những chuyển biến tích cực. Công tác phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học các trình độ GDNN ngày càng đông hơn.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở GDNN, GDTX ở TP HCM được chú trọng thực hiện theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Định kỳ hàng năm, Sở GD&ĐT triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đến tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các cơ sở GDNN cần đổi mới tư duy và phương pháp triển khai, xác định rõ sứ mệnh đào tạo và phát triển con người, đáp ứng nhu cầu nhân lực, đặt lợi ích người học làm trung tâm, minh bạch thông tin, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh.
Uyên Na