Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh qua các hoạt động thực hành
Đồng hành cùng trẻ em khuyết tật
Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh hiện có 2 nhóm học sinh (HS) chính: HS khuyết tật nghe nói và HS khuyết tật trí tuệ. Năm học 2024-2025, trường có 195 HS, trong đó có 20 em khuyết tật nghe nói và 175 em khuyết tật trí tuệ đang học tập tại 17 lớp chuyên biệt.
Giáo dục chuyên biệt không chỉ giúp HS khuyết tật tiếp thu kiến thức mà còn trang bị kỹ năng sống thiết yếu, phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Chương trình dạy và học tại trường còn chú trọng rèn luyện khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, thích nghi với môi trường xung quanh. Nhờ đó, các em không chỉ dễ dàng hòa nhập cộng đồng mà còn có thể đóng góp tích cực vào những hoạt động của xã hội.
Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Huỳnh Đăng Quang cho biết: “Ngoài tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục địa phương vào chương trình, trường còn linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của HS qua các hoạt động thực hành. Đồng thời, chủ động điều chỉnh nội dung và các hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng từng HS, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở chuẩn kiến thức".
Nhu cầu của trẻ khuyết tật nhìn chung không quá khác biệt so với trẻ bình thường nhưng mỗi loại khuyết tật lại có những yêu cầu riêng biệt. Vì vậy, việc học tập của HS khuyết tật dựa trên cơ sở kế hoạch giáo dục cá nhân. Theo kế hoạch này, mỗi nhóm HS khuyết tật sẽ học tập kiến thức văn hóa phù hợp và được rèn luyện kỹ năng đặc thù nhằm giúp các em vượt qua khó khăn do các dạng tật gây nên.
Hỗ trợ toàn diện cho học sinh
Không chỉ chú trọng dạy kiến thức và kỹ năng sống cho HS, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh còn có nhiều mô hình thực tiễn nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như khích lệ HS khuyết tật tham gia vào đời sống xã hội như hỗ trợ y tế, tài chính, việc làm,... Những mô hình hỗ trợ này đã giúp các em vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Học sinh tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh được học tập bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động
Trường còn triển khai, thực hiện nhiều nội dung thiết thực như tuyên truyền trực quan qua các buổi tập huấn kỹ năng sống cho HS; phổ biến đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người khuyết tật thông qua mạng xã hội; phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) tổ chức truyền thông trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật;...
Trường quan tâm, đánh giá kết quả giáo dục qua từng năm. Qua đó, các chính sách về học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập được thực hiện tốt. 100% trẻ vào học tại trường đều được rà soát, phân loại theo phương thức giáo dục chuyên biệt phù hợp. Ngoài ra, các em đang tham gia học hòa nhập nếu có nhu cầu rèn luyện kỹ năng đặc thù cũng được nhà trường hỗ trợ theo hình thức giáo dục cá nhân.
Thầy Huỳnh Đăng Quang cho biết thêm: “Để hỗ trợ việc làm cho HS khuyết tật sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, trường đã giới thiệu một tiệm áo cưới tại huyện Bến Lức có nhận đào tạo trang điểm cô dâu miễn phí cho các em khuyết tật nghe nói có đam mê với nghề. Bên cạnh đó, trường cũng cung cấp thông tin tuyển dụng từ các công ty, tạo cơ hội để phụ huynh và HS tìm hiểu, đăng ký ứng tuyển, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho các em”./.
Thi Mỹ - Thu Thảo