Tại phiên thảo luận sáng 10/5 về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, nhiều đại biểu Quốc có ý kiến góp ý cho dự luận tiếp tục hoàn thiện. Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) thẳng thắn chỉ ra loạt lỗ hổng pháp lý từ việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đến công bố tiêu chuẩn cơ sở, yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp cố tình công bố sai lệch gây nguy hại cho cộng đồng. Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cũng nhấn mạnh cần xóa bỏ hoàn toàn thủ tục công bố hợp quy tại Điều 48, xem đây là bước gỡ nút thắt cho môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn.
Siết chặt quy trình và xử lý sai phạm trong công bố tiêu chuẩn
Theo Đại biểu Thạch Phước Bình, dự thảo Luật hiện nay đã có bước tiến khi bổ sung quy trình rút gọn trong một số tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, quy định vẫn còn quá chung chung, không có tiêu chí định lượng rõ ràng dẫn tới nguy cơ lạm dụng. Ông đề nghị cần bổ sung điều khoản riêng trong Điều 32 để ràng buộc các điều kiện áp dụng như: phải có đánh giá tác động khẩn cấp từ Bộ Y tế, Bộ Công an; có xác nhận tình huống khẩn cấp bằng văn bản; quy định rõ thời hạn hiệu lực tạm thời và bắt buộc báo cáo hậu kiểm trong vòng 12 tháng.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: VPQH
Một thực tế được Đại biểu Bình chỉ ra là sự chồng chéo giữa tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự công bố với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc địa phương. Ông cảnh báo, nếu không có cơ chế giám sát và xử lý, tình trạng doanh nghiệp "vừa đá bóng, vừa thổi còi" sẽ tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và sức khỏe cộng đồng. Do đó, ông đề xuất giao Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc cơ quan chuyên ngành chủ trì kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các tiêu chuẩn cơ sở. Trong trường hợp phát hiện xung đột, quy chuẩn kỹ thuật phải được ưu tiên áp dụng. Các tiêu chuẩn cơ sở vi phạm phải bị đình chỉ, thu hồi hoặc bắt buộc sửa đổi.
Một điểm nóng được Đại biểu Thạch Phước Bình đặc biệt nhấn mạnh là trách nhiệm pháp lý đối với hành vi công bố sai lệch tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo ông, dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về chế tài, trong khi đây chính là kẽ hở dẫn tới những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường và người tiêu dùng.
Ông kiến nghị bổ sung quy định vào Điều 41 hoặc một điều riêng trong chương đánh giá sự phù hợp, theo đó: mọi tổ chức, cá nhân cố tình công bố sai lệch kết quả đánh giá tiêu chuẩn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu bồi thường nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Cần cụ thể hóa các hình thức xử lý như thu hồi giấy công bố, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cần có cơ chế thanh tra, kiểm định định kỳ, đặc biệt với các tổ chức đánh giá sự phù hợp ngoài nhà nước.
Gỡ bỏ rào cản công bố hợp quy
Góp thêm tiếng nói trong phiên thảo luận, Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho biết: việc tiếp tục duy trì quy định công bố hợp quy tại Điều 48 là không phù hợp với thực tiễn và xu hướng cải cách thể chế hiện nay. “Không một quốc gia nào trên thế giới áp dụng cơ chế công bố hợp quy như Việt Nam. Đây là thủ tục hình thức, chồng chéo và là rào cản lớn cho doanh nghiệp”, bà khẳng định.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VPQH
Theo Đại biểu Vân, hiện có tới 20 hiệp hội ngành hàng và hàng trăm doanh nghiệp cùng VCCI đã kiến nghị bãi bỏ quy định này sau nhiều hội thảo khoa học chuyên sâu. Các sản phẩm nhóm 2 đã được chứng nhận chất lượng theo các hệ thống như ISO, HACCP, CE… không cần lặp lại quy trình công bố hợp quy vốn chỉ “xác nhận lại những điều đã xác nhận”.
Bà cũng chỉ rõ rằng, công bố hợp quy hiện nay chủ yếu thông qua mẫu do doanh nghiệp tự chọn, tạo điều kiện cho hành vi gian dối khi lấy mẫu đẹp để kiểm tra, trong khi sản xuất hàng loạt lại không đảm bảo chất lượng.
Đại biểu Trần Thị Vân còn nhấn mạnh, công bố hợp quy là một thủ tục hình thức gây tốn kém cho doanh nghiệp. Với chu kỳ công bố 3 năm/lần và chi phí dao động từ 3 đến 30 triệu đồng/sản phẩm, các doanh nghiệp sở hữu vài trăm sản phẩm phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để duy trì thủ tục. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm chỉ được công bố cho một nhà máy duy nhất, buộc doanh nghiệp có nhiều cơ sở sản xuất phải lặp lại quy trình cho từng nhà máy. “Đây là sự lãng phí có hệ thống”, bà cảnh báo.
Bên cạnh đó, quy định công bố hợp quy còn làm tăng thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, kéo dài từ 7 đến 15 ngày, buộc doanh nghiệp tốn thêm chi phí lưu kho, điều chỉnh nhãn phụ, thậm chí làm mất cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế. “Chúng ta cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thay vì duy trì một thủ tục phi lý như hiện nay”, đại biểu kết luận.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: Công bố hợp quy hiện nay chủ yếu thông qua một mẫu do doanh nghiệp tự chọn. Điều này tạo điều kiện cho hành vi gian dối khi doanh nghiệp chỉ cần làm mẫu tốt để kiểm nghiệm còn sản xuất hàng loạt lại không đảm bảo chất lượng.
Hoàng Nhưỡng