Gỡ 'điểm nghẽn' để khu vực Đông Nam Bộ tăng trưởng hai con số trong năm 2025

Gỡ 'điểm nghẽn' để khu vực Đông Nam Bộ tăng trưởng hai con số trong năm 2025
13 giờ trướcBài gốc
Nhiều hạn chế làm chậm tốc độ tăng trưởng
Năm 2024, Đông Nam bộ (ĐNB) tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế với tổng thu ngân sách đạt hơn 733.000 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng thu quốc gia, vượt dự toán 3,6%. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch cả nước, tăng 11% so với năm trước.
Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực đạt trên 7.500 USD/năm, cao hơn gấp đôi mức trung bình cả nước, khẳng định vị thế dẫn đầu trong phát triển kinh tế. Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, khu vực này vẫn phải đối mặt với không ít "điểm nghẽn" trong hạ tầng giao thông, kết nối vùng, quá trình giải ngân đầu tư công,….
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra những "điểm nghẽn" làm chậm tốc độ tăng trưởng của vùng ĐNB. Ảnh: Hoàng Dương.
Năm 2024, tốc độ phát triển GRDP vùng ĐNB đang có xu hướng chậm lại, ướ́c tính đạt 6,38%, với quy mô đạt hơn 3,56 triệu tỉ đồng.
Tại Hội thảo Kinh tế vĩ mô năm 2025 vùng ĐNB đột phá cho tăng trưởng 2 con số, TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, khu vực này vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như ùn tắc giao thông, thiếu cơ sở hạ tầng; công nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý; chất lượng, năng suất lao động chưa cao;... tiềm năng dư địa còn nhưng chưa khai thác hết.
“Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối cảng biển cũng đang là điểm nghẽn, chưa hình thành được hệ sinh thái dịch vụ logistics đa dạng để đáp ứng nhu cầu tại vùng ĐNB cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh nhận định.
Gỡ “điểm nghẽn”, tăng trưởng hai con số
Cũng tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới đã có những bước phục hồi đáng kể sau khi đối mặt với những khó khăn do lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, và biến động thị trường tiền tệ. Tại Việt Nam, kinh tế đã đạt tăng trưởng GDP 6,5%, mỗi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt nhờ vào các cải cách chính sách. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã phục hồi nhanh chóng, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, với tổng số vốn FDI đăng ký mới đạt 27 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Dương.
Khu vực ĐNB đang nổi lên như một điểm nhấn động lực nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logicstics và đô thị hóa. Tỷ trọng GDP của khu vực đóng góp 45% GDP cả nước và là khu vực thu hút nhiều dự án FDI nhất trong năm với trị giá hơn 10 tỷ USD. Chính bối cảnh này đã làm nổi bật đáng kể tiềm năng quan trọng của khu vực ĐNB trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam những năm tới.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2025, vùng ĐNB phải tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn, ưu tiên các dự án liên kết vùng và huy động nguồn lực từ trung ương lẫn địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển bứt phá.
Để khu vực ĐNB phát triển vượt bậc, hướng tới mục tiêu phát triển hai con số trong năm 2025, tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế, diễn giả cũng đề xuất nhiều giải pháp như các địa phương trong vùng cần khẩn trương hoàn thành kế hoạch năm được giao; phát huy thế mạnh các địa phương và khắc phục các điểm nghẽn,….
Đặc biệt, các địa phương của vùng ĐNB cần chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mới nổi; thay đổi, cơ cấu lại công tác quản trị theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số; tăng cường quản lý an ninh, trật tự, chống tiêu cực, lãng phí; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho phát triển;…
Hoàng Dương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-diem-nghen-de-khu-vuc-dong-nam-bo-tang-truong-hai-con-so-trong-nam-2025-168689-168689.html