Gỡ điểm nghẽn pháp lý để chuyển dịch năng lượng bền vững

Gỡ điểm nghẽn pháp lý để chuyển dịch năng lượng bền vững
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 17/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”.
Ông Hoàng Quang Phòng chủ trì diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Vân
Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Sự cấp thiết của chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ do những tác động bên ngoài, mà ngay trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển.
Việt Nam có đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng để sản xuất năng lượng tái tạo, với đường bờ biển dài, thời tiết nhiệt đới gió mùa nên nhận được lượng bức xạ nhiệt mặt trời và lượng gió tương đối lớn... Những điều kiện này có ý nghĩa quan trọng trong định hướng an ninh năng lượng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Việt Nam đã và đang xây dựng một chính sách phát triển năng lượng rõ ràng, dài hạn và có thể dự đoán được là điều kiện tiên quyết cho chuyển dịch năng lượng bền vững. Tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.
Để đạt được tầm nhìn dài hạn đó, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hòa carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, nhận diện các thách thức như về tài chính chưa đủ đa dạng và dài hạn để phù hợp với nhu cầu. Do đó cần có cơ chế tài chính mới như tài chính hỗn hợp, trái phiếu và khoản vay xanh hoặc liên kết bền vững và các công cụ nâng cao hiệu quả tín dụng chưa được sử dụng rộng rãi. Về chính sách còn mất nhiều thời gian, thủ tục hành chính rườm rà. Các khoảng trống trong chuỗi cung ứng nội địa trong ngành năng lượng mới, sản xuất năng lượng tái tạo…
Đề xuất khuyến khích, mở rộng sản phẩm tài chính
Tại diễn đàn, các diễn giả đã gợi mở các giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tại Việt Nam như cần xây dựng cơ chế khuyến khích và mở rộng các sản phẩm tài chính. Nhà nước và các tổ chức liên quan có thể giới thiệu và thúc đẩy các sản phẩm tài chính phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm tài chính ưu đãi, tài chính đa phương từ các ngân hàng phát triển đa phương và tài chính hỗn hợp, cùng với sự bảo lãnh từ tín dụng xuất khẩu và các cơ chế tài chính khí hậu sáng tạo.
Song Linh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-diem-nghen-phap-ly-de-chuyen-dich-nang-luong-ben-vung-161932.html