Gỡ khó cho tín dụng tam nông

Gỡ khó cho tín dụng tam nông
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều lồng nuôi biển của STP Group ở tỉnh Quảng Ninh thiệt hại do bão số 3. Ảnh: M.Ngọc.
Chiếm 25% tổng vốn tín dụng toàn nền kinh tế
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc của STP Group cho biết, tập đoàn đã đầu tư vào nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh suốt 7 năm. Tuy nhiên, cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp (DN).
“Bão số 3 xóa sổ hoàn toàn những làng nuôi trên biển của STP Group. May mắn là chúng tôi vẫn còn lại hạ tầng. Câu hỏi đặt ra là chúng tôi có thể vay được gì?”- bà Bình băn khoăn và bày tỏ mong muốn được tham gia vào gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - vay ưu đãi cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ Agribank để khởi nghiệp lại, nhưng DN cần phải có tài sản đảm bảo và đáp ứng nhiều điều kiện khác. Theo bà Bình, đến thời điểm hiện tại, STP Group vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào, do gặp khó khăn về việc chưa được cấp sổ đỏ, tài sản trên biển chưa được định giá và không tham gia bảo hiểm.
“Chúng tôi đã xây dựng được nền tảng như truy xuất nguồn gốc, cấp sổ xanh… nhưng nếu tiếp tục chờ đợi hỗ trợ thì sẽ rất lâu, nhất là sau thiệt hại do bão Yagi " – bà Bình nói.
Tam nông là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng của ngân hàng và chính ngân hàng cũng đưa ra nhiều chính sách để đưa vốn vào lĩnh vực này. Tín dụng đầu tư cho lĩnh vực này chiếm 25% tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế; tăng gấp gần 4 lần sau 9 năm Nghị định 55 được ban hành.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm khoảng 20 -21% dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Đến tháng 12/2023, dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp sạch đạt 27.649 tỷ đồng. Dư nợ cho vay liên kết, chuỗi giá trị trong nông nghiệp bình quân giai đoạn 2018-2023 tăng 13,42%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tín dụng lĩnh vực tam nông còn gặp không ít khó khăn. Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện nguồn vốn chính để các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay khu vực này là vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, có kỳ hạn ngắn, lãi suất thị trường. Khó khăn còn đến từ việc cho vay không có tài sản đảm bảo, năng lực tài chính, năng lực quản trị của một bộ phận khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, phương án sản xuất kinh doanh còn chưa thuyết phục; khả năng quản lý được dòng tiền trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn gặp nhiều khó khăn…
Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Đồng bộ các giải pháp
Bà Giang nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng cho nông nghiệp, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp thông qua việc mở rộng đối tượng và hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân canh tác diện tích lớn, ở vùng thường gặp thiên tai; tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần xem xét ban hành, cập nhật định mức kinh tế kỹ thuật đối với cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch nông nghiệp gắn với kinh tế địa phương, hoàn thiện hướng dẫn Luật Đất đai 2024, đẩy nhanh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tập trung đất cho sản xuất quy mô lớn...
Để thúc đẩy tam nông phát triển nhanh và bền vững, ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Agribank đề nghị các cơ quan quản lý cần xem xét xây dựng các chương trình tín dụng chính sách theo hướng tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách nhà nước, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi; chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn...
Đối với các địa phương, ông Ngọc đề nghị các địa phương có giải pháp hỗ trợ việc thành lập và phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong các khâu của quá trình sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kết hợp lồng ghép, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hộ nông dân từ đó giúp hộ sản xuất kinh doanh sử dụng vốn vay có hiệu quả…
Còn ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị, để tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao, cần tăng cường lồng ghép có hiệu quả giữa việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Khuyến khích các địa phương cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các nội dung của Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật.
T.Hằng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/go-kho-cho-tin-dung-tam-nong-10292621.html