Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp thứ 19 - kỳ họp chuyên đề. (Ảnh: LÊ HẢI)
Căn cứ vào kết quả thẩm tra, Ban Kinh tế-Ngân sách, Hội đồng nhân dân thành phố đã cơ bản thống nhất các nội dung đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố về nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục lập lấy ý kiến, quyết định đề án sử dụng tài sản công phù hợp với quy định của Luật Thủ đô, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan. Theo đánh giá của Ban Kinh tế-Ngân sách, các quy định này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc của việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập của Thủ đô. Đây cũng là giải pháp để khai thác tốt hơn tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, chống lãng phí, phát huy hiệu quả tài sản công mà thành phố đang quản lý.
Thành phố đã đề xuất những quy định về biện pháp bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Ban Kinh tế-Ngân sách đánh giá, 10 biện pháp, 22 nghĩa vụ cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác duy trì, bảo vệ, gìn giữ, phát huy tài sản công, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Nguyên tắc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được quy định rõ với sáu nguyên tắc, như: Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước giao; thực hiện theo cơ chế thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật…
Liên quan đến tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất tại đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Nghị quyết, việc sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, tài sản công.
Điều kiện để sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết là phải có Đề án sử dụng tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. Mặc dù được phép kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, nhưng việc sử dụng tài sản công vẫn phải bảo đảm đúng công năng, mục đích sử dụng của tài sản được giao hoặc đầu tư, xây dựng, mua sắm. Không làm thay đổi kết cấu, kiến trúc, trừ trường hợp đầu tư thêm để nâng cao giá trị sử dụng của tài sản. Phần giá trị tài sản đầu tư thêm thuộc về đơn vị có tài sản sau khi hết thời hạn kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; Nhà nước không bồi hoàn phần giá trị đầu tư thêm.
Quy định về trình tự, thủ tục lập, lấy ý kiến, quyết định Đề án sử dụng tài sản công có quy định rõ: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Đề án được quyết định, đơn vị sự nghiệp công phải gửi Quyết định và Đề án được phê duyệt cho cơ quan quản lý cấp trên và công bố công khai tại trụ sở đơn vị, Trang thông tin của đơn vị (nếu có), thời gian công khai ít nhất là 30 ngày.
Số tiền thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công được xác định là khoản thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công và được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công.
Thực tế triển khai việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thời gian qua của Hà Nội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đa số các đơn vị lúng túng trong việc lập, xây dựng Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án phải qua nhiều tầng nấc, thủ tục... Tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố nêu rõ: “Đến nay, có rất ít Đề án được thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định”.
Minh Thu