Khai thác nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Khai thác nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
2 giờ trướcBài gốc
TP. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Đề án tổng thể về quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công. Ảnh tư liệu
Thu hàng trăm nghìn tỷ đồng từ khai thác quỹ đất Thủ đô
TP. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Đề án Tổng thể về quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công thuộc phạm vi quản lý, làm cơ sở từng bước hoàn thiện hoặc kiến nghị hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có quỹ đất. Thời gian qua, các sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp thuộc thành phố đã xây dựng kế hoạch và chủ động, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án và Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 26/5/2023 của UBND thành phố cơ bản đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, hồ sơ địa chính
Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương thực hiện Dự án Xây dựng tổng thể Hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo tiến độ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 905/QĐ-UBND ngày 19/2/2024 của UBND thành phố. Dự kiến hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính trong năm 2024; xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính, kết thúc dự án trong năm 2025.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) đã xây dựng và trình thành phố xem xét, phê duyệt đối với 3 đề án liên quan quỹ đất. Cụ thể, Đề án Tổng thể khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn tiếp. Trong đó, đã thống kê, đánh giá thực trạng làm cơ sở đề ra 4 nhóm giải pháp về chính sách, quy hoạch, phát triển quỹ đất, nguồn vốn ngân sách để khai thác, sử dụng đối với 9 nhóm quỹ đất để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo. Tổng diện tích quỹ đất rà soát hơn 38 nghìn ha với số thu khai thác dự kiến hơn 457 nghìn tỷ đồng.
Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, đã rà soát, xác định quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn 8 quận, huyện có diện tích hơn 14 nghìn ha tương ứng 38 khu đất với diện tích đất có thể khai thác là khoảng 7.500 ha. Dự kiến nguồn thu từ quỹ đất giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 135.000 tỷ đồng.
Đề án khai thác quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư. Trong đó, đã rà soát, xác định quỹ đất dự kiến đối ứng công trình BT trên địa bàn thành phố có tổng diện tích hơn 3.900 ha, tương ứng với tổng số 148 ô đất và đề xuất khai thác theo 3 hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất đối với 80 ô đất, tổng diện tích hơn 356 ha; đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất đối với 41 ô đất, tổng diện tích hơn 3.400 ha; nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đề xuất dự án đầu tư đối với 27 ô đất, tổng diện tích hơn 109 ha. Dự kiến nguồn thu giai đoạn 2024 - 2030 là khoảng 125.550 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, 3 đề án do Sở TN&MT xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công là đất đai của Thủ đô.
Rà soát, đôn đốc để tiếp nhận quỹ đất 20 - 25%
Ngoài 3 đề án trên thì Sở TN&MT đang rà soát, đôn đốc để tiếp nhận quỹ đất 20 - 25% tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn phải bàn giao lại cho thành phố theo các quyết định của UBND thành phố, đề xuất phương án nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đối với nhóm tài sản công đó.
Theo thống kê của TN&MT, có 42 ô đất (21 dự án), diện tích đất khoảng 387.000m2 là quỹ đất 20 - 25% phải bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý. Cụ thể, Quỹ đất theo Quyết định 123, 153 đã tiếp nhận là 11 ô đất (11 dự án), diện tích khoảng 70.125 m2 đất. Quỹ đất Quyết định 123, 153 chưa tiếp nhận là 19 ô đất, diện tích khoảng 128.098 m2 (chưa xong giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chưa bàn giao). Quỹ đất theo Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị quyết 06 của HĐND thành phố là 12 ô đất, diện tích khoảng 188.700 m2.
Cùng với việc rà soát tiếp nhận quỹ đất, Sở TN&MT cũng đề xuất phương án xử lý, khai thác đối với các khu đất do UBND thành phố đã thu hồi, tiếp nhận, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý. Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đang thực hiện công tác thu hồi, tiếp nhận, quản lý quỹ đất trên địa bàn thành phố do UBND thành phố, Sở TN&MT và các cơ quan có thẩm quyền khác giao nhiệm vụ là 188 ô đất, cơ sở nhà, đất với diện tích là 1.625.914,6 m2.
Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đã thu hồi, tiếp nhận, đang quản lý đối với 111/188 ô đất, cơ sở nhà, đất với diện tích 383.439,6 m2; đang thực hiện công tác thu hồi, tiếp nhận đối với 77/188 ô đất, cơ sở nhà, đất với diện tích 1.242.475 m2. Đối với 111 ô đất, cơ sở nhà, đất đã tiếp nhận, quản lý với 51 quyết định được giao; trung tâm đã đưa vào sử dụng 1 ô đất, cơ sở nhà, đất; đã có phương án sử dụng 105 ô đất, cơ sở nhà, đất.
Hiện nay, Sở TN&MT đang giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội phân loại cụ thể, báo cáo đề xuất tham mưu phương án xử lý, khai thác, báo cáo UBND thành phố trong quý III/2024; tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2024.
Thực thi hiệu quả Luật Đất đai 2024
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các nội dung quan trọng, nhằm thực thi hiệu quả Luật Đất đai 2024 và giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý giá đất.
Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện chỉ đạo tại nhiều văn bản trước đó liên quan đến việc triển khai Luật Đất đai 2024. Các cơ quan tập trung rà soát, tuân thủ các quy định pháp luật, chủ động phối hợp giải quyết vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết. Đặc biệt, đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thành phố yêu cầu xây dựng phương án đấu giá phù hợp, rút ngắn thời gian nộp tiền và công khai danh sách các đối tượng bỏ cọc, hạn chế hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, thổi giá và gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP. Việc điều chỉnh cần được thực hiện thận trọng, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm không tạo ra sự chênh lệch quá lớn so với bảng giá hiện hành và hạn chế tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở TN&MT cần đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và phổ biến Luật Đất đai 2024 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; khẩn trương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí và đơn giá sản phẩm trong lĩnh vực đất đai theo quy định hiện hành...
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Hà Nội là một trong các địa phương chủ động, tích cực triển khai Luật Đất đai 2024 trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.
Khánh Linh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khai-thac-nguon-luc-dat-dai-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thu-do-164792-164792.html