Gỡ khó để phát triển kinh tế - xã hội huyện miền núi Tri Tôn

Gỡ khó để phát triển kinh tế - xã hội huyện miền núi Tri Tôn
9 giờ trướcBài gốc
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chỉ đạo tại buổi làm việc
Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2024, tình hình KTXH của huyện Tri Tôn có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, văn hóa - xã hội diễn ra nhộn nhịp, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Nhiều chính sách phục hồi và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần đem lại đời sống ổn định, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; các chính sách an sinh xã hội được ưu tiên giải quyết kịp thời.
Trong năm, huyện Tri Tôn ước thực hiện đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu KTXH đề ra. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất đối với một số ngành hàng đạt 13.155 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 61,22 triệu đồng/năm; tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước hơn 171 tỷ đồng. Huyện có 31/56 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,05%...
Tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, trong bức tranh phát triển KTXH của huyện Tri Tôn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám cho biết, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường ở một số địa phương chưa tốt, còn tình trạng lấn chiếm và xây cất trái phép, không đúng quy định. Các dự án đầu tư còn vướng công tác triển khai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là dự án thuộc lĩnh vực giao thông; phát sinh các vấn đề điều chỉnh thủ tục dự án... Công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư còn chậm.
Dự báo trong năm 2025, tình hình thu hút đầu tư tiếp tục khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do DN gặp khó khi thị trường thu hẹp, lãi vay cao, khả năng vay vốn khó... Trong khi đó, các cơ chế, chính sách, quy định mới được Trung ương ban hành vẫn còn và phát sinh những vướng mắc, chồng chéo, làm chậm quá trình phát triển và khả năng thu hút đầu tư. Ngoài ra, nội lực địa phương còn hạn chế, nguồn thu ngân sách quy mô nhỏ; hạ tầng thiếu, kém, không đồng bộ; kinh tế tăng trưởng nhưng thiếu bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo… Những hạn chế này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, sự phát triển KTXH và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện Tri Tôn đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp giúp huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024, cũng như mục tiêu 5 năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XII. Theo đó, UBND huyện Tri Tôn đề nghị UBND tỉnh sớm cho chủ trương và ghi vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến Đường tỉnh 959 và Đường tỉnh 955B hiện đang xuống cấp; phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác xã An Tức bằng công nghệ đốt công suất 50 tấn/ngày đêm. Kiến nghị giao Cửa khẩu phụ Vĩnh Gia (xã Vĩnh Gia) cho Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp quản, sử dụng các hạng mục: Trạm kiểm soát liên hợp kết hợp bãi tập kết kiểm soát hàng hóa, chốt gác, cabin do cơ sở vật chất, nơi làm việc của chiến sĩ trực chốt Biên phòng Vĩnh Gia chưa được đảm bảo.
Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh ủng hộ, hỗ trợ huyện thực hiện các thủ tục để triển khai dự án “Khu Du lịch nghỉ dưỡng Núi Tà Pạ”; xem xét, cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí trùng tu di tích Nhà mồ Ba Chúc, đình An Đinh, chùa Phi Lai và di dời Nhà Trưng bày chứng tích tội ác bọn Pôn Pốt. UBND huyện Tri Tôn đồng thời kiến nghị các sở, ngành tỉnh hỗ trợ huyện nạo vét, mở rộng các kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Kênh Ranh An Giang - Kiên Giang, kênh Tám Ngàn, kênh Mới. Xây dựng trạm bơm điện tại ấp Tô Trung (xã Núi Tô); nạo vét các tuyến kênh kết hợp giao thông nông thôn giữa các cống, tuyến đường dân sinh và kênh Vĩnh Tế, tại 2 xã Lạc Quới và Vĩnh Gia, nhằm giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp khi lũ về.
Trước những khó khăn, kiến nghị của lãnh đạo huyện Tri Tôn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu huyện Tri Tôn tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh và Trung ương. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn yêu cầu huyện Tri Tôn tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KTXH, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Quan tâm quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đối ngoại, giao thông đến các khu, điểm di tích; thu hút đầu tư ngoài ngân sách… Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành tỉnh khẩn trương hỗ trợ thực hiện các đề xuất, kiến nghị của huyện Tri Tôn.
ĐỨC TOÀN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/go-kho-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-huyen-mien-nui-tri-ton-a411731.html