Công ty TNHH Đức Toàn Bình Định ở Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ ngoại thất, sang thị trường Châu Âu, đạt doanh thu hơn 3 triệu USD/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,6%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 12,6% và 10,4%. Như vậy, dù đối mặt với thách thức lớn về thuế quan tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là một trong 5 nhóm hàng có thặng dư thương mại lớn nhất của ngành nông nghiệp với mức thặng dư đạt 6,69 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bảo Hưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh thông tin, 6 tháng đầu năm 2025, dù gặp nhiều biến động về thuế tối thiểu và thuế đối ứng từ thị trường Hoa Kỳ, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2024, vượt hơn sự mong đợi của doanh nghiệp. Đáng chú ý, thị trường Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng khoảng 6%. Con số này có được một phần là do các khách hàng tranh thủ mua vào để tạo lượng tồn kho trong thời gian tạm hoãn áp thuế đối ứng.
Theo ông Phùng Quốc Mẫn, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ dù bất ngờ nhưng áp dụng cho hầu hết quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Do vậy, dù mức thuế mới làm giá cả hàng hóa tăng lên, nhưng những nhà nhập khẩu vẫn phải duy trì việc đặt hàng để cung ứng cho mạng lưới khách hàng thân thiết. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã chủ động biến “nguy thành cơ” bằng việc đàm phán, thống nhất với khách hàng phương án chia sẻ chi phí tạm thời, cân bằng lợi ích của các bên để duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng một cách liên tục.
Một số doanh nghiệp khác lại đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và phương thức bán hàng thông qua thương mại điện tử. Ông Trần Lam Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Minh, chia sẻ: Thương mại điện tử là con đường ngắn nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Với doanh nghiệp đi theo kênh thương mại truyền thống Business-to-Business (B2B), khi thuế tăng lên, giá thành cộng dồn qua nhiều khâu sẽ tăng lên khá nhiều. Ngược lại, sản phẩm nội thất bán qua thương mại điện tử thường là những mặt hàng có giá trị nhỏ, chênh lệch giá sau thuế mới không quá nhiều và người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận được. Nhờ đó, lượng đơn hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều và ổn định.
Mặc dù duy trì được tăng trưởng trong “cơn bão” thuế, nhưng ngành chế biến gỗ Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có chiến lược dài hơi hoàn thiện hệ sinh thái nội địa để phát triển bền vững. Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty Gia Long, nhận định, bên cạnh những con số tích cực về mặt xuất khẩu là hàng loạt rào cản ngày càng siết chặt. Tại Hoa Kỳ, vấn đề nóng nhất là thuế đối ứng, đe dọa trực tiếp đến lợi thế cạnh tranh của đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, các vụ kiện chống bán phá giá và nghi ngờ gian lận xuất xứ tiếp tục làm khó doanh nghiệp trong việc minh bạch chuỗi cung ứng. Trong khi ở EU, Quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2025. Theo đó, các sản phẩm gỗ muốn xuất khẩu vào thị trường này phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và không liên quan đến phá rừng.
Song song với các hàng rào thuế quan và kỹ thuật, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sau những biến động vừa là cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với đồ gỗ và nội thất. Các tập đoàn lớn tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều có xu hướng tái cấu trúc nguồn cung gần với thị trường tiêu thụ nhằm giảm thiểu các rủi ro và chi phí vận chuyển. Việc thay đổi này hình thành nên cục diện đa cực thay vì toàn cầu hóa đồng nhất như trước đây. Nếu không nâng cao giá trị nội tại và tính minh bạch, Việt Nam có nguy cơ bị gạt khỏi các chuỗi giá trị mới định hình.
Theo ông Trần Việt Tiến, một hệ sinh thái công nghiệp nội thất (từ gỗ) hoàn chỉnh và hiện đại cần hội tụ đầy đủ các yếu tố: nguồn nguyên liệu bền vững, công nghiệp chế biến tiên tiến, nhà máy sản xuất quy mô, thiết kế sáng tạo, thương hiệu đủ sức cạnh tranh, mạng lưới phân phối rộng khắp và hệ thống hậu cần chuyên nghiệp.
Việt Nam đã có những nền tảng nhất định như nguồn gỗ rừng trồng trên 2 triệu ha, đội ngũ lao động lành nghề và năng lực sản xuất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những mắt xích thiếu hoặc yếu như công nghiệp cơ khí và phụ trợ, khả năng thiết kế sản phẩm đa dạng theo yêu cầu thị trường, hệ thống phân phối quốc tế, đặc biệt chưa có thương hiệu nội thất Việt mang tầm khu vực và toàn cầu.
“Việc chủ động kiểm soát chuỗi cung ứng nội địa bền vững sẽ mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp Việt Nam, vừa giảm thiểu được rủi ro từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vừa đáp ứng yêu cầu minh bạch nguồn gốc, xuất xứ. Những giá trị này sẽ là ‘tấm hộ chiếu’ giúp sản phẩm Việt Nam tự tin bước vào những thị trường khó tính nhất”, ông Trần Việt Tiến nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam không chỉ dừng lại ở vai trò là “công xưởng gia công” của thế giới, mà cần vươn mình trở thành trung tâm sản xuất có bản sắc riêng thông qua thiết kế, thương hiệu và hệ sinh thái nội địa vững chắc. Để hệ sinh thái này vận hành hiệu quả, cần tầm nhìn dài hạn của toàn ngành và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đầu tư vào công nghệ, thiết kế, sáng tạo, minh bạch chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong việc chống chuyển tải, đánh tráo xuất xứ hàng hóa. Bởi nếu không cẩn trọng, ngành đồ gỗ và nội thất Việt Nam rất dễ đánh mất uy tín đã xây dựng nhiều năm với khách hàng, dẫn đến các biện pháp trừng phạt thương mại kéo dài và mất dần vị thế trên thị trường quốc tế.
Xuân Anh (TTXVN)