Từ ngày 20/4 vừa qua, Nghị định 60 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính thức có hiệu lực.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), sau 3 năm thực hiện Nghị định 116 (áp dụng từ năm học 2021 - 2022), nhiều chính sách mới được thực hiện, như sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt; giao trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm… Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc: các địa phương cam kết đặt hàng nhưng không thực hiện, dẫn đến chậm chi trả kinh phí; quy định đấu thầu đào tạo giáo viên chưa có hướng dẫn cụ thể; hàng nghìn sinh viên chậm nhận được chi trả sinh hoạt phí (3,63 triệu đồng/tháng) từ 1 đến 3 năm; việc đào tạo sinh viên sư phạm và việc tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường vào ngành giáo dục chưa đồng bộ; việc theo dõi bồi hoàn kinh phí chưa có hướng dẫn chi tiết...
Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định 60 điều chỉnh quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm khác. Theo Bộ GDĐT, với quy định này, các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập.
Ngoài ra, Nghị định 60 cũng đã bổ sung một số nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện thu hồi đầy đủ kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn tiền hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo quy định.
Thực tế triển khai Nghị định 116 tại một số địa phương cho thấy có nhiều bất cập xung quanh vấn đề tào tạo giáo viên theo đặt hàng. Trong khi, năm 2025, khóa sinh viên sư phạm trình độ ĐH đầu tiên theo diện đặt hàng, đấu thầu được hưởng chính sách của Nghị định 116 sẽ tốt nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: Nghị định 60 điều chỉnh quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm. Đơn cử Nhà nước thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách; trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo. Với quy định này, cơ sở đào tạo và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Đề nghị các địa phương giải quyết tình trạng thiếu giáo viên
Bộ GDĐT vừa gửi công văn đến UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Theo đó, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm biên chế được giao chưa sử dụng và biên chế được bổ sung năm học 2024-2025). Không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên.
Dung Hòa