Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Vấn đề đấu thầu trong lĩnh vực y tế được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Theo dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu, đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Luật cũng sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp với việc mua thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: Trong lĩnh vực Y tế có những máy móc chuyên dụng, chỉ có 1 hãng sản xuất, mặt hàng thay thế cũng chỉ sử dụng sản phẩm của hãng đó, hãng khác không thay được, ví dụ máy chụp city, hay các máy kỹ thuật cao khác.
Như vậy, nếu chỉ hỏng 1 cái bóng phải thay thế, mà các bệnh viện phải đấu thầu rộng rãi sẽ gặp nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Có trường hợp các hãng khác cũng đưa những mặt hàng thay thế vào, đấu thầu trúng, nhưng đem vào lắp thì máy không chạy được. Chưa kể mỗi đơn vị đấu thầu một giai đoạn giá sẽ khác nhau.
“Để có nguồn phục vụ bệnh nhân nhanh, máy móc không bị ngừng trệ hoạt động, theo tôi, hằng năm, nên rà soát các mặt hàng y tế thông dụng mà cần thay thế để đưa vào định giá tài sản, đấu thầu chung các mặt hàng đấy cho cả 1 năm”, theo đại biểu.
Có thể cơ quan chủ quản cho đấu thầu tập trung vào đầu năm, và trong năm thì các mặt hàng như bóng đèn, bóng chiếu, bóng chụp, xạ trị... bị hỏng, các đơn vị chỉ cần liên hệ đặt hàng là xong, không phải đấu thầu. Như vậy không xảy ra tiêu cực và nhanh chóng thuận lợi phục vụ người bệnh.
Về đấu thầu thuốc, đại biểu cho rằng, trong nhà thuốc bệnh viện có vô vàn các loại thuốc, đưa ra vấn đề đấu thầu thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả và thuốc không nằm trong danh mục là tốt rồi.
Nhưng có chuyện là khi các thuốc đó đưa vào chuyên ngành sâu khác nhau, đưa về các bệnh viện chuyên khoa, bệnh nhân về các tỉnh, mua thuốc ở nhà thuốc bệnh viện không có.
Để đặt hàng, theo luật sửa đổi cho đấu thầu theo phương pháp mua sắm trực tiếp. Nhưng nếu mua sắm trực tiếp mà mỗi năm chỉ mua sắm một lần, thì coi như một người mua thuốc mà thuốc đó không có, cả năm chỉ mua 1 lần như thế thì không phù hợp.
Vì vậy, nên cho nhà thuốc bệnh viện được phép gọi hàng và nhập thuốc với thuốc đã công khai giá trên mạng và công khai của các đơn vị đấu thầu rộng rãi, rồi chỉ cần gọi về chứ không cần đấu thầu. Cái này phải sửa đổi ngay, nếu không các nhà thuốc bệnh viện không thể phục vụ kịp thời bệnh nhân.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn tỉnh Tiền Giang) cho rằng, trong cơ cấu giá của Thông tư 07 ngày 17/5/2024 của Bộ Y tế quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập có nêu nhà thầu nộp các tài liệu chứng minh liên quan chi phí sản xuất trong nước.
Các đại biểu thảo luận tại tổ.
Vấn đề này mỗi nhà thầu nộp hồ sơ chứng minh khác nhau, đơn vị chưa đủ cơ sở đánh giá thống nhất cho tất cả các nhà thầu dự thầu. Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn quy định thống nhất danh mục tài liệu chứng minh liên quan chi phí sản xuất trong nước.
Khoản 7, Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu quy định “Không sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ”.
Theo đó, Chính phủ quy định không sử dụng phương pháp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ, và theo Điều 12, Thông tư 07 cũng quy định lựa chọn nhà thầu áp dụng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, theo quy định tại Điều 30 của Luật Đấu thầu. Điều này sẽ hạn chế chủ đầu tư lợi dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ để loại bỏ nhà thầu ngay trong bước đánh giá về kỹ thuật.
Tuy nhiên, đối với đấu thầu thuốc như vậy thì sẽ hạn chế chủ đầu tư lợi dụng phương thức “một giai đoạn hai túi hồ sơ”, tạo điều kiện cho nhà thầu có giá trị dự thầu thấp trúng thầu, sẽ dẫn đến kết quả hiệu quả điều trị bệnh không cao.
Vì vậy, đại biểu đề xuất áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá phù hợp với các gói thầu mua sắp thuốc để lựa chọn thuốc có kết quả điều trị cao, giá thành hợp lý.
Về đấu thầu thuốc cho nhà thuốc bệnh viện, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị bổ sung: “Đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở khám bệnh chữa bệnh, trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp, chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc nhiều loại thuốc...”, để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh cung cấp đầy đủ kịp thời thuốc cho người bệnh.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi đối với việc mua thuốc không thuộc Danh mục thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo dịch, hình thức dịch vụ mua hàng hóa để bán lẻ bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế được tự quyết định mua sắm trực tiếp trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế sẽ chịu trách nhiệm về việc quyết định hình thức mua sắm và lựa chọn hình thức mua sắm sẽ bảo đảm tháo gỡ được những vướng mắc đang tồn tại hiện nay khi thực hiện Luật Đấu thầu...
Phương Thảo