Góc nhìn hôm nay: Công khai nếu 'né' tiếp dân

Góc nhìn hôm nay: Công khai nếu 'né' tiếp dân
3 giờ trướcBài gốc
Có lẽ, đây là nguyên nhân cơ bản, khiến cho tỉ lệ các vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Còn công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm nay, chỉ đạt 84,4% và thấp hơn so với năm 2023. Các con số thống kê này là minh chứng về hiệu quả tiếp dân, nhất là giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương và cơ quan Trung ương. Nhưng đáng lo ngại nhất chính là lòng tin người dân sẽ giảm đi khi đơn thư, kiến nghị của họ cứ chuyển lên, chuyển xuống mà không được giải quyết.
Mòn mỏi chờ tiếp và giải quyết
Người đàn ông tuổi 80, cứ ngày đêm mải miết viết đơn thư khiếu nại gần 20 năm qua. Đây cũng là quãng thời gian mà nhóm phóng viên đã đeo bám vấn đề và nhân vật này, liên quan đến thu hồi diện tích đất xây dựng khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, mà năm 2018 Thanh tra Chính phủ đã kết luận có nhiều sai phạm.
Những lá đơn xếp chất đống và được gửi đi từ quận 9 cũ, nay là TP.Thủ Đức, lên TP.Hồ Chí Minh và ra các cơ quan Trung ương. Sau đó, những lá đơn ấy lại được chuyển về chính TP.Thủ Đức để...chờ giải quyết.
Những bước chân nặng nề và khó nhọc của ông lão tuổi cao, sức yếu này vẫn tiếp tục lê lết để mang đơn kêu cứu đến các cơ quan công quyền. Mà thời gian còn lại của ông, chắc cũng không còn nhiều nữa!
Còn tại Đà Nẵng, người dân kiến nghị lên các cấp ngành nhiều lần nhưng việc hồi âm và giải quyết rất chậm trễ, kéo dài nhiều năm.
Nằm trong diện giải tỏa cho dự án mở rộng đường, năm 2019, ông Hải bàn giao phần một phần mặt bằng và xây dựng nhà trên đất còn lại. Dự án sau đó điều chỉnh thiết kế, nắn đường ra phía trước nhà ông Hải. Từ đây, việc xây dựng phải dừng lại, chính quyền yêu cầu trả lại phần đất này. Quá bức xúc, ông Hải liên tục gửi đơn đến các cấp ngành, nhưng chưa được giải quyết.
Theo ông Hải, chỉ đến khi có thông báo tiếp công dân của Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng sau hơn 3 năm gửi đơn, huyện Hòa Vang mới “xuống nước”, cho phép xây nhà và đền bù 6 triệu đồng cho diện tích 20m2 phía trước dự kiến thu hồi. Nhưng UBND huyện không đồng ý yêu cầu cấp lại đất của ông Hải, vì không có phương án phù hợp.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng nguyện vọng người dân là có căn cứ, cần giải quyết theo hướng có lợi cho dân.
Theo lãnh đạo HĐND TP.Đà Nẵng yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cùng Ban quản lý dự án nghiên cứu tham mưu cho UBND huyện Hòa Vang về thủ tục thu hồi đất, sớm giải quyết thấu đáo cho người dân, báo cáo kết quả cho Thường trực HĐND thành phố chậm nhất là 31/10/2024.
Đây chỉ là 1 số ví dụ về chậm, hoặc "né" tiếp dân và giải quyết đơn thư. Báo cáo tại Phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, các bộ, ngành, địa phương mặc dù đã nỗ lực, đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhưng, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng tới 129% so với năm 2023 - là tăng quá mạnh. Ngược lại, số đoàn đông người đến các bộ, ngành lại giảm 55%. Vậy, vì sao người dân giảm lòng tin ở các Bộ-ngành, mà tăng lòng tin với Thanh tra Chính phủ? Câu hỏi này cần phải được giải đáp.
Năm 2024, cơ quan hành chính nhà nước các cấp giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ 80,2%, nghĩa là chưa đạt được mục tiêu 85% như Báo cáo năm 2023 của Chính phủ đã yêu cầu. Đặc biệt, ở các địa phương, tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 76,8%. Lâu nay, đã có những tiếng kêu ca về chậm giải quyết đơn thư-kiến nghị, là do cấp trưởng thường ủy quyền cho cấp phó, hoặc cấp dưới tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương. Khi đó, những người cấp dưới hoặc cấp phó được ủy quyền, lại phải xin ý kiến chỉ đạo và tất nhiên, người dân khiếu nại hay tố cáo, sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm.
Tiếp đúng, người dân sẽ không lên Trung ương
Đây là quan điểm của các đại biểu tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nếu tiếp công dân đúng, thì khiếu nại, tố cáo sẽ giảm. Cấp xã nếu giải quyết triệt để tận gốc của đơn thư khiếu nại, thì người dân sẽ không lên huyện, huyện sẽ không lên tỉnh và nếu tỉnh quan tâm, giải quyết triệt để, thì sẽ không có đoàn kéo nhau lên Trung ương.
Với những vụ việc kéo dài quá lâu, Thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội vào giám sát.
Cũng chỉ có một đề nghị với Quốc hội là giám sát những vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài do Phó Thủ tướng Thường trực trước đây làm Tổ trưởng và 74 vụ việc do Quốc hội đã có kiến nghị, những vụ việc này thực lòng chúng tôi rất cần vì đa số những việc này chưa xong.
"Chuyện khiếu nại, tố cáo kéo dài...gần như địa phương nào cũng có", Chủ tịch Quốc hội nói, có khi kéo dài hàng chục năm, là do không được giải quyết đến cùng. Hoặc, là có sự đùn đẩy, ngại va chạm với những vấn đề phức tạp.
Có những vụ việc kéo dài 10-20 năm, có ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng ở dưới là đùn đẩy của địa phương và một số cơ quan không giải quyết triệt để.
Có một điểm được phân tích thấu đáo để có biện pháp khắc phục, đó là tâm lý chưa coi việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân là việc của chính quyền và các cơ quan liên quan. Vậy nên, tiếp dân hình thức cho có, tiếp chỉ để nhận và chuyển đơn...không phải là chuyện hiếm.
Số liệu nào đúng...có lẽ sẽ phải chờ báo cáo được tổng hợp đầy đủ khi trình ra Kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội. Nhưng, dù tỷ lệ cao hay thấp và ai tiếp dân, giải quyết kiến nghị, khiếu nại...thì chất lượng giải quyết triệt để vấn đề, mới là quan trọng nhất.
Tuy Thanh tra Chính phủ thừa nhận có sự sai sót khi tổng hợp số liệu, dẫn đến hiểu nhầm về số đơn thư khiếu nại, hay số vụ việc chưa được giải quyết, nhưng tỷ lệ các vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 6% so với cùng kỳ 2023, phần lớn do chậm được các cơ quan và chính quyền quan tâm. Chẳng hạn như việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, vẫn chưa bảo đảm đúng số ngày theo quy định. Đó là: Chủ tịch tỉnh mỗi tháng phải 1 ngày tiếp dân chứ không phải 1 buổi. Chủ tịch huyện mỗi tháng phải 2 lần tiếp dân và mỗi lần là 1 ngày. Chủ tịch xã phải tiếp dân 4 lần mỗi tháng, mỗi lần là 1 ngày. Vậy nên, mới tồn đọng nhiều đơn thư, hay là các vụ việc khiếu nại-tố cáo.
Cũng từ báo cáo của Chính phủ, khiếu nại đúng chiếm tới 18%, tố cáo đúng chiếm đến 37,4%, cho thấy công tác xử lý hành chính của các cơ quan bị người dân khiếu nại, cũng chưa thực sự tốt. Vậy nên, tăng cường hơn nữa khâu giám sát các ngành, các lĩnh vực có khiếu kiện phức tạp và các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Ở địa phương, cần phải chỉ đạo UBND các cấp giải quyết việc khiếu kiện sao cho thấu tình đạt lý, thay vì "ngâm tôm" kéo dài. Nghĩa là, phải đặt đúng người, đúng vai, thay vì tiếp dân và giải quyết đơn thư theo kiểu “cho có".
Phê bình và công khai thông tin không tiếp dân
Đúng là tỷ lệ nhận và chuyển đơn có nhiều tiến bộ, gần đạt con số tuyệt đối 100% nhưng lại chủ yếu là giải thích kiến nghị. Nghĩa là sau nhiều ngày, nhiều tháng chờ đợi, thì người dân chỉ nhận được giải thích về từ ngữ, hoặc hướng dẫn đến cơ quan, đơn vị khác sẽ giải quyết đơn thư. Tất yếu, vòng quay đơn thư, kiến nghị vượt cấp kéo dài, cứ quay mãi chưa có điểm dừng, mặc dù đã được các cơ quan của Quốc hội chuyển đến từ lâu và đề nghị giải quyết từ nhiều năm qua.
Cái mà người dân cần, đó là thời hạn giải quyết và kết quả giải quyết đơn thư, kiến nghị. Nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Nếu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tỉnh được Ban Tiếp công dân Trung ương mời đến cùng họp và giải quyết những kiến nghị ở ngay địa phương mà không chịu đến thì nên đăng công khai ở Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của tỉnh đó. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có văn bản phê bình và quy trách nhiệm công khai người đứng đầu... thì mới thay đổi được về chất lượng tiếp dân và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo chúng tôi, nếu vẫn xuê xoa, coi nhẹ lĩnh vực này thì vụ việc đơn giản, thậm chí dễ thành điểm nóng phức tạp, khó giải quyết dứt điểm.
Mời quý vị và các bạn theo dõi!
Ngọc Dũng
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-cong-khai-neu-ne-tiep-dan-237951.htm