'Gốc rễ' của việc dạy thêm, học thêm do chương trình học còn nặng

'Gốc rễ' của việc dạy thêm, học thêm do chương trình học còn nặng
21 giờ trướcBài gốc
Luật sư Phạm Thành Tài, Công ty Luật Phạm Danh. Ảnh: NVCC
Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài, Công ty Luật Phạm Danh xung quanh quy định về dạy thêm, học thêm trong Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có hiệu lực.
Thưa Luật sư, thông tin mới nhất từ phía Bộ GD&ĐT có nêu, việc ban hành Thông tư 29 nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm, không “siết” hoạt động này. Tuy nhiên, với trường hợp các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm sẽ chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào, thưa ông?
Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ, giáo viên dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh, nhưng không đăng ký kinh doanh bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng; đối với tổ chức mức phạt là 10 - 20 triệu đồng.
Trường hợp dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp, nhưng không đăng ký thành lập doanh nghiệp, mức phạt từ 25 - 50 triệu đồng đối với cá nhân; 50 - 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Lượng người đăng ký giấy phép kinh doanh để dạy thêm tại Gia Lai tăng đột biết trong những ngày qua. Ảnh: Quang Thái/TTXVN
Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 127/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, nếu vi phạm quy định trong giáo dục, cá nhân, tổ chức có thể bị phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Với các giáo viên đang là viên chức, những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các trường công lập, còn bị xử lý theo Điều 15, 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về các hình thức xử lý kỷ luật với viên chức.
Theo đó, viên chức không giữ chức vụ quản lý sẽ chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Viên chức đang đảm nhận chức vụ quản lý, ngoài các hình tức trên còn có thể bị cách chức. Người đứng đầu đơn vị sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật phù hợp với giáo viên có hành vi dạy thêm không đúng với quy định. Ngoài ra, một số trường hợp giáo viên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Để không bị xử phạt, giáo viên và nhà trường cần nắm chắc các quy định trong việc dạy thêm như: Các trường hợp không được dạy thêm, điều kiện để giáo viên được dạy thêm, trách nhiệm quản lý việc dạy thêm... Giáo viên có tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường cần tuân thủ đầy đủ quy định về đăng ký kinh doanh, công khai thông tin và thực hiện nghĩa vụ tài chính, tránh vi phạm dẫn đến các mức xử phạt nghiêm trọng theo quy định pháp luật.
Một số ý kiến lo ngại tình trạng các giáo viên sẽ tìm cách để “lách luật” như: Khi quy định cấm dạy thêm ở bậc Tiểu học trừ các lớp dạy kỹ năng, giáo viên có thể học các chứng chỉ về một vài môn kỹ năng và tổ chức Câu lạc bộ (CLB). Thay vì học môn tiếng Việt, học sinh sẽ tham gia CLB ngôn ngữ sáng tạo. Đối với môn Toán sẽ là CLB khám phá tư duy… Còn đối với học sinh cấp 2 và cấp 3, giáo viên có thể tổ chức lớp học, nhưng đứng tên người khác, có thể là giáo viên đã nghỉ hưu… Luật sư đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Có thể thấy rằng, hiện dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật và cấp thiết của cả người học và người dạy, nên dù có quy định thế nào, thực tế vẫn sẽ diễn ra tình trạng dạy thêm, học thêm. Thực tế không thể phủ nhận, mặc dù các quy định về dạy thêm, học thêm đã được ban hành chặt chẽ hơn, nhưng vẫn có không ít giáo viên và ngay cả phụ huynh tìm cách "lách luật" để duy trì hoạt động này.
Đặc biệt sau khi Thông tư 29 quy định về việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, tình trạng "dạy thêm lén lút" lại tiếp tục diễn ra và trở thành vấn đề nóng trong môi trường giáo dục hiện nay.
Việc "lách luật" dạy thêm, học thêm là điều không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục, vi phạm quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường, làm mất đi tính công bằng trong giáo dục. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và các trường học để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho giáo viên và phụ huynh về tác hại của việc dạy thêm trái phép.
Trên các diễn đàn xã hội, một số ý kiến cho rằng: Học sinh phải đi học thêm vì chương trình học còn “nặng”; việc cấm học thêm, dạy thêm chỉ có thể giải quyết “phần ngọn”. Việc dạy thêm phải đóng thuế, học phí sẽ tăng lên, người chịu thiệt vẫn là người dân. Điều quan trọng là giảm tải chương trình học để học sinh vừa học, vừa nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn thể mỹ… Ông có đồng tình quan điểm này?
Việc ban hành Thông tư quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm là cần thiết, thậm chí là cấp bách. Bởi nhiều năm qua, học thêm, dạy thêm đã gây ra nhiều bức xúc đối với xã hội. Dạy thêm, học thêm có nơi bị biến tướng thành “dạy chính, học chính”. Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư sẽ không khiến cho nhu cầu học thêm giảm.
Bởi lẽ gốc rễ đến từ chương trình học quá nặng, đề kiểm tra, đề thi quá khó. Trong khi giáo viên nếu bị cấm dạy thêm, cấm thu tiền tại trường sẽ bị ảnh hưởng đến tinh thần, khó tập trung để dạy chính khóa tốt. Bằng cách nào đó, các thầy cô vẫn phải tìm cách dạy thêm để duy trì thu nhập như trước khi có Thông tư 29. Còn học sinh nếu không học thêm, không thể có đủ lượng kiến thức để đáp ứng việc kiểm tra, thi cử. Áp lực về thành tích vẫn đang đè nặng lên nhà trường, thầy cô, phụ huynh và toàn xã hội.
Ngoài ra, việc ban hành Thông tư không phải là giải pháp căn cơ, triệt để. Điều quan trọng là giảm tải chương trình học để học sinh vừa học, vừa nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn thể mỹ… Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, cân nhắc thêm vấn đề này để mang lại môi trường học tập thực sự lành mạnh, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho học sinh.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!
Thông tư 29 có 3 điểm mới nổi bật: Không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường;
Minh Phương/Báo Tin tức (thực hiện)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/goc-re-cua-viec-day-them-hoc-them-do-chuong-trinh-hoc-con-nang-20250220173942340.htm