Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới

Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới
13 phút trướcBài gốc
Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, không chỉ là trái tim của Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc, đặc biệt là các làng nghề và nghề truyền thống. Từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, biết bao sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời, vượt qua thời gian để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Với sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại, các làng nghề Hà Nội đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Việc nỗ lực đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn gìn giữ những nét tinh hoa vốn có đang được các làng nghề Hà Nội duy trì và phát triển.
Ngược dòng lịch sử, chưa có tài liệu cụ thể xác định làng nghề Hà Nội có tự bao giờ nhưng có thể khẳng định làng nghề Hà Nội ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt, hiện có tới 47/52 nghề của cả nước, là cái nôi hình thành của nhiều nghề truyền thống Việt Nam như gốm sứ, dệt lụa, mây tre đan, nón lá, khảm trai,... với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, Hà Nội cũng là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân, thợ giỏi tài hoa, hòa quyện cùng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc là tiền đề để làng nghề là một trong những trụ cột trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa.
Thăng long, Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước với các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể, là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Hà Nội đẹp thơ mộng, không chỉ bởi nét cổ kính của 36 phố phường mà còn nổi bật bởi những làng nghề truyền thống vốn đã đi vào sử sách, thi ca, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 337 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND Thành phố công nhận. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, các làng nghề Hà Nội vẫn giữ được nét đặc trưng riêng có, không nơi nào sánh được.
Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề bền bỉ phát triển theo thời gian đã khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Và ngày nay các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.
Các sản phẩm của làng nghề Hà Nội đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đã có trên 1.000 sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đã được bày bán trong đại siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố. Các sản phẩm làng nghề Hà Nội đã được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước trong khối liên minh Châu Âu EU như Italia, Đức, Thụy Điển..., gồm các sản phẩm như: may mặc, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren, mây tre đan, Sơn mài, khảm trai và đồ gỗ mỹ nghệ...
Tiêu biểu nhất là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, nằm bên cạnh dòng sông Hồng, Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm cách đây hơn 500 năm, các nghệ nhân gốm với bề dày kinh nghiệm, sự sáng tạo đã khôi phục được các mẫu gốm từ thời xa xưa như thời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc,… Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác đã mang đến sự hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc của gốm, là nơi giao thoa nghề gốm truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Những sản phẩm gốm sứ không chỉ tinh tế về hình thức mà còn đa dạng về mẫu mã, từ đó ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh sản phẩm gốm sứ bát tràng là kết tinh của trời đất, thì sự mềm mại của những tấm lụa Vạn Phúc lâu nay vẫn là niềm tự hào của người dân Hà Nội, bởi đây chính là biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từ bao đời nay, chân truyền qua các thế hệ nghệ nhân làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, với những tấm lụa không chỉ đẹp về màu sắc mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Làng nghề dệt Lụa Vạn Phúc đã và đang trở thành điểm du lịch, tham quan nổi tiếng của Thủ đô để du khách khám phá, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của cha ông ta.
Với lịch sử truyền thống, tinh hoa vốn có và sự hội tụ đầy đủ các thế mạnh của làng nghề thủ công đặc trưng, 02 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc đã vinh dự chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo Thế giới, đây chính là cơ hội để các làng nghề quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thế giới, đồng thời là tiền đề để giao lưu, học hỏi, để tạo tác ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đương đại của thế giới nhưng vẫn giữ được hồn cốt và văn hóa bản địa.
Tháng 11 năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT được UBND Thành phố giao ký kết Biên bản ghi nhớ với Hội đồng thủ công Thế giới. Ngay từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu cho Thành phố triển khai việc phối hợp với Hội đồng Thủ công Thế giới hoàn thiện hồ sơ để công nhận 02 làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm và làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới. Với sự phối hợp của Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và sự vào cuộc của các địa phương và hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ nhân của 2 làng nghề; cả 2 làng nghề đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên 4 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, và môi trường.
Bộ tiêu chí này nhấn mạnh sự công nhận toàn cầu, đổi mới địa phương, cơ hội hợp tác và các yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Các làng nghề cũng đã và đang thể hiện khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để từ đó làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật của mình. Làng nghề còn có nhiều nghệ nhân làm việc với lòng đam mê, truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, để không chỉ giữ gìn mà còn phát triển văn hóa truyền thống của mình Cuối cùng, yếu tố cộng đồng là không thể thiếu.. Đáp ứng và vượt qua được những tiêu chí này đã mở đường cho các làng nghề của Việt Nam, trong đó có Bát Tràng và Vạn Phúc, gia nhập Mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo Toàn cầu. Đoàn giám khảo quốc tế đã có chuyến khảo sát và thẩm định tại các làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc vào tháng 10/2024 và đánh giá cao những kết quả đạt được của làng nghề và các nghệ nhân. Nhiều nghệ nhân của 2 làng nghề đã gây được nhiều cảm xúc và lưu ấn đối với đoàn khảo sát của Hội đồng Thủ công Thế giới. Sau quá trình thẩm định và đánh giá, 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc của Hà Nội đã chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới.
Chứng nhận Gốm sứ Bát Tràng là thành viên Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu
Kết quả này đã giúp Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời là cơ hội để các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, mở rộng thị trường, đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững.
Hội đồng Thủ công Thế giới (WCC-International) có văn phòng đặt tại thủ đô Cô-oét, là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập từ năm 1964, với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống. Hội đồng thủ công thế giới quản lý năm (05) Hội đồng thủ công thành viên gồm Hội đồng Thủ công khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng thủ công Châu Âu, Hội đồng thủ công Châu Phi, Hội đồng thủ công Bắc Mỹ và Hội đồng thủ công Nam Mỹ. Tính đến nay Hội đồng Thủ công Thế giới có hơn 100 quốc gia thành viên (Ai Cập, Ghana, Nam Phi, Nigeria, Tunisia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Pakistan, Indonesia, Iran, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Vương quốc Anh, Brazil, Mexico, Argentina, Canada…) và Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới là ông Saad Al-Qaddumi. Sau 60 năm thành lập, Hội đồng Thủ công Thế giới đã công nhận được 68 làng nghề thủ công thế giới của 27 quốc gia trên thế giới trong đó 02 làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc của Thành phố Hà Nội là làng nghề thứ 67 và 68 được công nhận và Việt Nam là quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới.
Hội đồng Thủ công Thế giới hoạt động theo tôn chỉ trao quyền cho các nghệ nhân, tôn vinh sự đa dạng văn hóa, góp phần phát triển bền vững và bảo tồn các nghề thủ công đang suy yếu thông qua nỗ lực hợp tác với các nghệ nhân và các bên liên quan trên toàn thế giới. Hội đồng Thủ công Thế giới nỗ lực tạo ra một cộng đồng toàn cầu sôi động và hòa nhập, tôn trọng và duy trì sự đa dạng của các nghề thủ công truyền thống.
Chứng nhân Dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu
Ngoài 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràngdệt lụa Vạn Phúc, Hà Nội còn có nhiều làng nghề là nét đẹp tinh hoa văn hóa truyền thống, đã đi vào thi ca như câu “Lĩnh hoa Yên Thái, thợ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã” hay câu “muốn ăn cơm trắng cá trê, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”… . Với 345 nghệ nhân đã được công nhận, trong đó: 13 Nghệ nhân Nhân dân; 42 Nghệ nhân Ưu tú; 290 Nghệ nhân Hà Nội, các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng, đây là những “đầu tàu” trong việc gìn giữ những bản sắc, nét văn hóa truyền thống của các làng nghề và thúc đẩy làng nghề hội nhập và phát triển.
Có thể thấy rằng, việc bảo tồn và phát triển làng nghề đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; tổng doanh thu của 337 làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, một số làng nghề có doanh thu/năm cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt trên 1.000 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, đạt trên 1.000 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng, làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng đạt 1.100 tỷ đồng; làng nghề giầy da thôn Giẽ Thượng (xã Phú Yên) đạt 570 tỷ đồng, Làng nghề giầy da Giẽ Hạ (Xã Phú yên) đạt 780 tỷ đồng,…;
Làng nghề không những thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn những thời gian nông vụ nhàn rỗi, kết nối tình làng nghĩa xóm và lưu giữ được những nét văn hóa, chân truyền của bao thế hệ trước dày công xây dựng. Đặc biệt nhiều làng nghề đã kết nối được với du lịch văn hóa làng nghề với nông nghiệp nông thôn như: làng nghề mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, tò he Xuân La, Khảm trai Chuôn Mỹ, nhạc cụ Đông Lỗ, dệt Phùng Xá, Dày da Phú Yên… Đây cũng là các làng nghề đầy tiềm năng để tham gia đề cử là thành viên của các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề Hà Nội, ngày 15/01/2025 UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Với kỳ vọng sau khi Đề án được phê duyệt và triển khai, sẽ giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong bảo tồn, phát triển làng nghề hiện nay. Là tiền đề để đưa các làng nghề Hà Nội tham gia mạng lưới làng nghề thủ công sáng tạo Thế giới bền vững, hiệu quả và hội nhập phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Việc các làng nghề truyền thống của Thành phố Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới mang lại nhiều giá trị, lợi ích quan trọng. Tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu và sản phẩm giúp các làng nghề thủ công của Hà Nội được quảng bá chính thống rộng rãi sâu rộng đến với công chúng tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Với khát vọng của Thủ đô trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa; đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Năm 2025 thành phố Hà Nội phấn đấu để Hội đồng thủ công Thế giới xem xét công nhận ít nhất 02 làng nghề của Hà Nội ra nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới, mời Hội đồng thủ công thế giới và các làng nghề trong mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới tham dự Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 tại Hà Nội; Tổ chức Hội nghị thường niên của Hội đồng thủ công thế giới tại Thủ đô Hà Nội – Hy vọng đây sẽ là cơ hội hợp tác quốc tế mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô để bảo tồn phát triển và hội nhập sâu rộng với Quốc tế.
Khánh Duy
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/gom-su-bat-trang-lua-van-phuc-la-thanh-vien-mang-luoi-cac-thanh-pho-thu-cong-sang-tao-the-gioi-post403958.html