Góp ý dự thảo Luật GD đại học: Nhiều ý kiến về hội đồng trường và cơ chế tự chủ

Góp ý dự thảo Luật GD đại học: Nhiều ý kiến về hội đồng trường và cơ chế tự chủ
5 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị
Tọa đàm có có lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT, cùng lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học học khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Trung du và Miền núi phía Bắc.
Dự thảo bàn về 6 nhóm chính sách
Tại buổi tọa đàm, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã thông tin những nét tổng quan về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm 9 chương, 54 điều với những điểm mới và định hướng đổi mới toàn diện so với trước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì buổi tọa đàm.
Các đại biểu đã góp ý, thảo luận xoay quanh các nội dung thuộc 6 nhóm chính sách được đưa ra tại dự thảo gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo quản trị đại học tiên tiến; hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy học tập suốt đời; định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học; phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Đặc biệt, nhiều kiến nghị được đưa ra về tổ chức Hội đồng trường và cơ chế tự chủ đại học tại các trường thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng, cơ cấu tổ chức, chuẩn chương trình đào tạo, điều kiện thực hiện chương trình, nhiệm vụ, quyền hạn giảng viên…
Theo PGS.TS Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học VHTT&DL Thanh Hóa, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hành chính, chuyển đổi số và đổi mới quản trị đại học, giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều yêu cầu mới về nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa giáo dục đại học trong kỷ nguyên mới.
Hội nghị lần này là cơ hội quý báu để các trường đại học được đóng góp ý kiến, chia sẻ thực tiễn nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2025 - một văn bản pháp lý có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của giáo dục đại học nước ta trong bối cảnh mới.
PGS.TS Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học VHTT&DL Thanh Hóa phát biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: hội thảo lần này nhằm rà soát các vướng mắc, khó khăn kéo dài liên quan đến hội đồng trường và công tác bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, đồng thời đánh giá việc thể chế hóa các chủ trương nêu trong Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 và các kết luận gần đây.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu góp ý để xử lý triệt để những điểm chưa rõ, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Giáo dục đại học với các luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Nhiều băn khoăn về hội đồng trường đại học thành viên
Liên quan đến các trường đại học thành viên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, bày tỏ băn khoăn về vị trí pháp lý và tư cách pháp nhân của các cơ sở giáo dục đại học là trường thành viên thuộc đại học vùng.
“Mặc dù các trường này có tư cách pháp nhân, nhưng trong định nghĩa tại dự thảo luật hiện hành chỉ nhắc đến đại học vùng, mà không đề cập rõ đến các trường thành viên trực thuộc. Điều này khiến nhiều giảng viên lo ngại và đặt câu hỏi liệu các trường thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng có được xem là cơ sở giáo dục đại học hay không. Do đó, cần bổ sung nội dung vào điểm b, khoản 1, Điều 12 của dự thảo luật, nhằm khẳng định rõ vai trò và vị trí pháp lý của các trường thành viên, tránh gây tranh cãi và hiểu lầm”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nêu quan điểm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược, Đại học Thái Nguyên phát biểu góp ý Luật giáo dục đại học (sửa đổi).
Theo TS Nguyễn Đắc Trung, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y- Dược Thái Nguyên, trong tổng kết Luật Giáo dục đại học 2018, mô hình có nhiều bất cập vướng mắc, chồng chéo và mâu thuẫn trong quyền hạn. Bên cạnh luật thông qua, các văn bản dưới luật hướng dẫn, nên cụ thể hóa chỉ rõ, vị trí vai trò quyền hạn là gì của hội đồng trường, hội đồng thành viên.
Trình bày ý kiến tại hội nghị, đại diện Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên bày tỏ mong muốn cần làm rõ, các trường đại học thành viên giống các trường đại học bên ngoài, cần có hội đồng trường. Theo đại diện Đại học Nông lâm Thái Nguyên do đơn vị trực tiếp tổ chức các hoạt động đào tạo, quản lý đội ngũ, sử dụng ngân sách, tuyển sinh… các chức năng này chỉ có thể thực hiện được thì không thể thiếu hội đồng trường.
PGS.TS.Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng đưa ra một số góp ý liên quan đến vị trí từng thành viên liên quan hội đồng trường. Ông đề xuất cần có sự xem xét để đảm bảo hội đồng trường có đủ quyền hạn và cơ chế để thực hiện hiệu quả chức năng của mình mà không gây chồng chéo với ban giám hiệu.
Tại hội nghị, một số lãnh đạo các Trường đại học, học viện cũng nêu ý kiến tháo gỡ cho khoản 1 điều 17 về trường thuộc đại học, khoa và các đơn vị chuyên môn khác thuộc cơ sở giáo dục đại học là đơn vị không có tư cách pháp nhân, chỉ có chức năng trực tiếp tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Tiến Thảo tiếp thu các ý kiến và trao đổi với các đại biểu về từng nhóm vấn đề, đồng thời ghi nhận các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Bình Minh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/gop-y-du-thao-luat-gd-dai-hoc-nhieu-y-kien-ve-hoi-dong-truong-va-co-che-tu-chu-post738779.html