Gót chân mẹ - truyện ngắn của BẠCH VÂN

Gót chân mẹ - truyện ngắn của BẠCH VÂN
3 giờ trướcBài gốc
Minh họa: PV
Mẹ có thói quen ngâm chân vào nước ấm trước khi đi ngủ. Mẹ bảo, mẹ có tuổi rồi, khó ngủ, ngâm chân máu dễ lưu thông khiến giấc ngủ sâu hơn. Các con cứ mặc kệ mẹ, không phải chờ, xong mẹ tự khắc tắt đèn đi ngủ.
Bàn chân mẹ xù xì. Những vết xước chân chai cứng dần theo năm tháng. Gót chân vằn vện những đường ngang dọc như thửa ruộng lúc khô hạn kéo dài. Gió mùa đông bắc về, những vết nứt tứa máu. Mẹ không đau. Nhưng bất tiện, bởi xỏ tất vào thường bị kéo rút sợi vì mắc vào chỗ chai cứng ở gót chân. Tất của mẹ vẫn thủng chỗ gót, nhiều người tưởng mẹ khó khăn kinh tế nhưng không, mẹ tự cắt đi để không vướng víu.
Con cái dần trưởng thành, mẹ không phải lo việc này việc kia, có thời gian vừa ngâm chân buổi tối vừa nghe nhạc, xem phim. Trước, bố mua cho mẹ đủ loại sáp làm mềm da gót chân nhưng không hiểu sao không làm mềm đi được. Ngược lại càng bôi càng cứng và trổ gai theo từng lớp da tróc vảy. Cách duy nhất là ngâm chân vào nước ấm rồi bóc từng lớp da hóa sừng.
Hôm nay, Minh lại ngồi ngâm chân cùng mẹ. Đúng hơn, Minh ngồi nói chuyện chờ mẹ ngâm chân xong. Nhà có 3 chị em, Minh là đứa hay thủ thỉ và kiên nhẫn chờ mẹ.
Minh nhớ, ngày còn bé vẫn thường ôm chân mẹ ngủ bên tiếng lạch cạch của chiếc máy khâu. Máy khâu hiệu con én của Nhật Bản, mẹ phải gom thu nhập suốt nửa năm mới đủ mua máy cũ. Mẹ để ở góc phòng, tranh thủ may màn bán sỉ cho người ta sau giờ làm. Minh nhỏ nhất nhà, bám mẹ, tối đi ngủ không có hơi mẹ là không ngủ được. Mẹ để chiếc nôi mây cạnh máy khâu, một chân đạp bàn máy một chân cho Minh ôm. Như vậy, mẹ ngồi không được thoải mái, hàng cũng may chậm hơn nhưng mẹ vui vì Minh ngủ ngon giấc.
Tới khi lớn, các anh chị vẫn chọc Minh: Chân mẹ chưa rửa mà vẫn cứ ôm khư khư hít hà. Không quan tâm, với Minh, hơi của mẹ thơm nhất và bàn chân mẹ ấm nhất.
Mẹ vừa ngâm chân xong, Minh đỡ bàn chân mẹ để vào lòng mình. Lớp da dưới gót chân theo năm tháng lại càng ùn ra dày hơn, cứng hơn. Minh lấy khăn lau khô, rồi dùng kềm bấm, kiên nhẫn bấm từng lớp da cứng ở gót chân mẹ.
- Mẹ dễ chịu rồi. Vậy là được rồi đó con. Phải cả tuần sau mới bấm lại, mẹ lên tiếng.
Nhìn gót chân mẹ, Minh trào nước mắt. Không phải tự nhiên nó lại xù xì như vậy.
***
- Chuyển lên tuyến trên gấp!
Tiếng cô trưởng trạm y tế khiến bà Thanh hốt hoảng. Con dâu bà đang ở trong đó chờ sinh. Cơn đau dồn dập từ đêm hôm qua, sáng nay mới nhờ người đưa đi được. Chưa kịp định thần, chiếc xe cấp cứu nháy chớp và hú còi liên tục lùi ngay cửa phòng cấp cứu trạm xá. Bà chỉ kịp vơ vội ít quần áo rồi lên xe theo con.
Trên xe, con dâu bà mắt nhắm nghiền, chụp ống thở ôxy. Bụng không động đậy, thân hình con tím tái khiến bà lo lắng vô cùng. Một tay bà nắm tay con, một tay để lên bụng con thì thầm. Bà không làm được gì cho con, cho cháu, chỉ cầu mong phép màu xuất hiện.
Chiếc băng ca đẩy vào buồng mổ. Nhìn bóng áo trắng, áo xanh gấp gáp đi vào đi ra cùng những bịch máu và lọ thuốc gắn lên cây truyền dịch, bà hoang mang. Một tiếng, hai tiếng trôi qua, rồi 4 tiếng 6 tiếng vẫn im ắng, bà cứ đứng lên lại ngồi xuống, miệng không ngừng cầu nguyện.
Bà lau nước mắt rồi tự trách mình, để xảy ra cơ sự này là bởi con bà đã làm việc quá sức những tháng cuối thai kỳ. Đúng ra bà nên quyết liệt bắt con nghỉ ngơi. Nhưng bà cũng chủ quan và nghe theo lời thuyết phục của con là không sao vì sinh bé thứ ba chắc cũng dễ dàng như hai bé đầu.
- Mẹ tròn con vuông rồi nhé. Một bé gái nặng 3 ký.
Tiếng y tá khiến bà thở phào. Bà giơ tay ra bế cháu. Chờ mãi không thấy con được đẩy ra cùng, bà đang chần chừ thì cô ý tá giục: - Bà theo cháu đưa bé về phòng. Trước mắt cho uống sữa ngoài. Mẹ để bác sĩ làm thêm thủ thuật rồi về phòng hồi sức sau.
***
Chị quay mặt vào tường. Con đã về với bà được 15 ngày mà chị vẫn chưa được xuất viện. Ca cấp cứu thành công nhưng sau sinh chị bị nhiễm trùng vết mổ. Thuốc giảm đau càng làm chị đau hơn khi hết thuốc nên chị chấp nhận để bác sĩ làm thủ thuật sống, vét mủ hàng ngày ngay tại vết thương.
Đau cắt da cắt thịt, lần nào cũng như chết đi sống lại. Mỗi lần nghe tiếng lạch cạch của xe đẩy thay băng thuốc đầu hành lang là chị sợ, co người lại như một phản xạ. Chị ám ảnh tới mức hàng đêm vẫn nguyện cầu được đánh đổi 5 năm tuổi thọ để sớm vượt qua khoảng thời gian đau đớn này. Chị nghĩ tới các con, nghĩ tới mẹ chồng lớn tuổi ở nhà phải lọ mọ chăm ba cháu làm động lực vượt qua.
Tới ngày thứ 29 vết mổ khô miệng. Chị xin xuất viện về nhà tự vệ sinh. Bác sĩ khuyên chị ở lại bởi có thể phải phục hồi chức năng bàn chân, một dạng biến chứng liệt thần kinh vận động sau sinh. Không thể để vết mổ mưng mủ lại vì nếu nhiễm trùng lần hai có thể bị liệt vĩnh viễn hai chi. Chị nhất quyết xin về nhà, chị cần được nhìn thấy các con, cần hơi ấm gia đình. Với chị, động lực tinh thần lúc này mới quan trọng.
Nhìn các con, chị giận chồng. Hai lần sinh trước anh đều nghỉ phép về được, lần sinh này đơn vị anh hành quân lên Tây Nguyên không thể về. Chị chỉ biết rằng, lúc chị cần anh, con chị cần ba thì anh không có mặt.
Mẹ chồng hiểu tâm trạng của chị nên bà cố gắng động viên con dâu và chăm sóc các cháu chu đáo. Bà luôn lén quay đi lau nước mắt khi thấy chị giờ chỉ có thể ngồi một chỗ. Bao đêm không ngủ, chị nhìn đôi bàn tay gân guốc và làn da vàng vọt của mình. Con khóc đòi bú ngằn ngặt mà chị thì miệng đắng chát không nuốt nổi miếng cơm, lấy đâu ra sữa cho con bú. Bàn chân thì ngày một mềm oặt ra, đứng vịn tường vài giây đã ngã quỵ. Nhiều lúc vô thức chị cấu thật mạnh vào bàn chân mà không có cảm giác đau. Chị sợ… Chị tàn tật ngồi đó, con chị ai nuôi…
Chị cố gắng níu mặt bàn, dùng sức ở tay nâng cơ thể để đứng lên. Trước mắt phải tập đứng rồi mới tính tới tập đi. Chị nghĩ thế! Nhưng bàn tay khẳng khiu chẳng đủ sức, chị trượt tay ngã chúi, đầu đập vô thành bàn. Mẹ chồng chạy tới đỡ chị. Một tay bà cố gắng ôm eo để đỡ thân mình con dâu, tay kia giơ ra làm chỗ vịn cho con. Chị biết bà cũng đang kiên nhẫn cùng chị. Đầu gối vừa duỗi được ra, chị muốn đặt bàn chân xuống đất rồi nương vào sức của mẹ mà đứng lên. Bàn chân không nghe theo sự điều khiển của chị thành ra chị như đang vượt khỏi mặt đất bằng sức của mẹ chồng. Rồi chị và mẹ ngã chồng lên nhau. 65 tuổi rồi, bà không đủ sức bế chị. Chị quay mặt vào tường khóc còn bà lủi thủi ra góc hiên ngồi, chấm vội giọt nước mắt đã lăn dài trên má từ khi nào.
***
Tối nay bà nội đưa bọn trẻ ra nhà văn hóa phá cỗ trung thu. Một mình ngồi ở nhà, chị muốn thử lần nữa xem chân mình thực sự còn cảm giác không. Nếu còn chị sẽ bắt đầu tập lại từ đầu; nếu không chị phải sắp xếp công việc nhà để có người lo cho các con. Nhìn ngọn đèn dầu leo lét, bỗng chị lóe ra một ý. Thế là chị lấy dầu trong đèn, đổ vào chân mình, rồi lấy sợi cói chiếu châm lửa bỏ vào chân. Chị không nghĩ được gì nhiều, chị chỉ biết một điều là chị phải đứng lên, bước đi và chị cần một chất xúc tác mạnh.
Dầu hỏa bén lửa bốc lên, mùi khen khét xộc khắp phòng. Tiếng xèo xèo từ bàn chân khiến chị hoảng hốt. Chị giãy giụa chân thật mạnh. Bàn chân lúc đầu vẫn trơ ra như một đống thịt vô tri nhưng dần dần có cảm giác đau rát. Chị nhìn quanh nào chiếu, chăn màn đang bắt đầu bén lửa. Chị quơ tay vớ cái gối đập tới tấp để dập lửa. Tiếng trống lân đêm rằm ngày một lớn át cả tiếng gọi của chị. Không còn cách nào khác, chị lấy hết sức mình dùng tay và đầu gối bò từng bước khó khăn ra khỏi phòng.
- Cứu với, cứu con tôi với. Sao dại thế con ơi…
Tiếng bà nội bọn trẻ thất thanh cùng tiếng khóc lóc thảm thiết. Bà bỏ cháu ở ngoài lao vào rồi túm được tóc và tay chị lôi ra. Bà vừa khóc vừa ôm chị vào lòng: - Chuyện gì cũng còn có mẹ mà. Sao phải dại dột thế con?
Gạt tay lau nước mắt cho mẹ, chị mỉm cười nhìn bà: - Mẹ, mẹ ơi, chân con vẫn có cảm giác. Vậy là con vẫn còn cơ hội đi lại được.
Bà không hiểu gì, ngơ ngác nhìn chị. Một cánh tay rắn chắc bế phốc chị lên xe chở đi bệnh viện. Trời nhá nhem chị chưa nhìn kỹ ai, chỉ nghe tiếng mẹ chị nói lớn: - Cái thằng này, sao giờ mày mới chịu về nhà...
Đó là chồng chị. Rất mệt nhưng chị vẫn đủ sức quay ra hất tay anh ra khỏi người. Anh ôm chặt chị trong lòng rồi lên tiếng: - Anh xin lỗi. Từ giờ về sau em chửi mắng anh sao anh cũng không dám nói gì…
***
Đó là câu chuyện bà nội vẫn thường kể lại cho mấy chị em Minh. Bà còn bảo, từ đợt đó gót chân mẹ cứ ngày một chai cứng, xù xì. Mỗi lần về phép, ba vẫn ngâm chân và tỉ mỉ bấm từng lớp da chết ở gót chân cho mẹ. Thời gian sau, dù không còn vất vả nữa nhưng gót chân mẹ không bao giờ hồng mềm lại như xưa.
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/93/321702/got-chan-me-truyen-ngan-cua-bach-van.html