Tại phiên họp UBND tỉnh sáng 27/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu ghi nhận nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, góp phần giúp tỉnh đạt những kết quả phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng
Tại phiên họp sáng 27/11, UBND tỉnh đã nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu biểu dương nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó góp phần giúp tỉnh đạt những số liệu ấn tượng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận Hải Dương vẫn còn chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chưa hoàn thành. Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan. Một số sở, ngành, đơn vị chưa chủ động trong điều hành, chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ.
Sang năm 2025, để hoàn thành thắng lợi 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội dự kiến đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay từ đầu năm các sở, ban, ngành, địa phương phải quán triệt nghiêm các mục tiêu phát triển được phê duyệt. Phải có kế hoạch triển khai chi tiết, đặc biệt phải nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản phát triển kinh tế, kịch bản giải ngân trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng tính khả thi, xây dựng chi tiết theo từng tháng, từng quý.
Các địa phương chủ động rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt các dự án tạo nguồn để khớp các dự án dự kiến triển khai trong thời gian tới. Tham mưu UBND tỉnh xử lý triệt để các dự án chậm tiến độ.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu xác định tiền sử dụng đất các dự án, trong đó có dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Cục Thuế tỉnh nâng cao hiệu quả trong khai thác nguồn thu còn dư địa như nguồn thu từ hoạt động thương mại điện tử. Các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển đô thị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu tại phiên họp
Năm 2024, Hải Dương đã chủ động xây dựng các kịch bản phát triển, phấn đấu ở mức cao nhất. Kết quả, kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, ước năm 2024 GRDP tăng 10,02%, vượt mục tiêu tăng trên 9% đã đề ra. Quy mô GRDP đạt 211.352 tỷ đồng, tăng gấp 1,13 lần so với năm 2023, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2024 ước đạt gần 22.940 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch năm, tăng 1,9% so với năm 2023; giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 205,6 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu 205 triệu đồng/ha đề ra.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến hết năm 2024 có 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 18%, vượt mục tiêu 16,8% đề ra.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 388.000 tỷ đồng, vượt 3,4% kế hoạch, tăng 14,8% so với năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 13,9%.
Lĩnh vực dịch vụ phát triển đa dạng, tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 54.500 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với năm 2023. Trong đó ước tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 10,4%.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Dũng báo cáo tại phiên họp
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có bước đột phá, ước đạt 28.813 tỷ đồng, tăng 46,7% so với dự toán. Trong đó thu nội địa 24.588 tỷ đồng, tăng 45,3%, thu xuất nhập khẩu 4.092 tỷ đồng, tăng 50,4%.
Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 26.392 tỷ đồng, bằng 144,7% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 7.052 tỷ đồng, bằng 123,7% dự toán, chi thường xuyên 12.004 tỷ đồng, bằng 114,4% dự toán, tăng 13,2%.
Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực, ước tổng vốn đăng ký khoảng 11.489 tỷ đồng, tăng gấp 1,2 lần so với năm 2023. Trong đó chấp thuận chủ trương đầu tư 53 dự án mới, với tổng vốn đăng ký 8.048 tỷ đồng; thông báo chấm dứt hoạt động 11 dự án.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Viết Hải phát biểu tại phiên họp
Hải Dương cũng hoàn thành đóng dấu hồ sơ quy hoạch tỉnh. Tổ chức xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn.
Bên cạnh bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh, Hải Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, hoạt động khoa học, công nghệ, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2025 Hải Dương xây dựng 15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu gồm 7 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 2 chỉ tiêu về môi trường.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đỗ Công Tiến tham gia ý kiến tại phiên họp
Tại phiên họp, UBND tỉnh cũng xem xét, cho ý kiến về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025; tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2024, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2025-2027; đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 (vốn cấp tỉnh quản lý); đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng từ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040 (điều chỉnh lần 2).
HÀ KIÊN