Thái Nguyên: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,5%

Thái Nguyên: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,5%
2 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm và một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
9 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Thái Nguyên đạt 5,56% (cao hơn mức 4,35% so với cùng kỳ năm 2023).
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,5%. UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp về thu hút đầu tư, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Thái Nguyên phát huy vai trò hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình công tác, đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao.
Thời gian qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Sở KH&ĐT đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, các quy định pháp luật và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Trong năm qua, Sở đã tích cực tham mưu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025; phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh; tham mưu công tác xây dựng và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đôn đốc giải ngân kế hoạch đầu tư công; thực hiện công tác thẩm định, tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, quản lý đăng ký kinh doanh theo quy định; tham mưu công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh…
Kết quả đạt được trong năm 2024, về công tác quy hoạch, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 03 huyện được phê duyệt quy hoạch vùng huyện, 9/9 huyện, thành phố đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030.
Về công tác đấu thầu, hiện nay, Sở KH&ĐT đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù phát triển của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vị quản lý trong trường hợp cần thiết, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.
Tính riêng 10 tháng năm 2024, Sở đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 166 dự án (đã bao gồm dự án đầu tư công và dự án sử dụng vốn sự nghiệp). Số dự án FDI còn hiệu lực cho đến nay là 215 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 10,91 tỷ USD.
Trong công tác đăng ký kinh doanh, tính chung 10 tháng năm 2024 toàn tỉnh cấp mới cho 871 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 7.407 tỷ đồng, lũy kế đến nay toàn tỉnh hiện có 10.579 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 151.710 tỷ đồng; công tác xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT xác định việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ quan trọng, yếu tố then chốt giúp tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương cũng như góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên thực sự trở thành “Cực tăng trưởng” của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 64% kế hoạch năm 2024
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Thái Nguyên là 23.195 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 64% kế hoạch năm 2024, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước. Nhiều công trình, dự án lớn được hoàn thành, đưa vào sử dụng, từ đó khuyến khích thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong giai đoạn tới, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ khẩn trương ban hành quy chế phối hợp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án. Tỉnh tăng cường đôn đốc giải ngân, nhất là các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý đầu tư xây dựng, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; theo dõi chặt chẽ thi công; giám sát chất lượng công trình và các nội dung khác có liên quan; tiếp tục quan tâm cân đối, bố trí vốn cho các công trình, dự án đầu tư công đã được phê duyệt, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đầu tư công trung hạn; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, ngành KH&ĐT bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2020 - 2025, đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh, đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công năm 2025; phối hợp với các sở, ban, ngành để xây dựng các nội dung phát triển kinh tế - xã hội trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Đối với các dự án đầu tư công, Sở KH&ĐT tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, đảm bảo quản lý vốn đúng quy định. Đối với các dự án ngoài ngân sách, Sở chú trọng công tác thẩm định chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư và tăng cường thanh tra, giám sát tiến độ triển khai các dự án.
Minh Huế
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/thai-nguyen--huong-toi-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-nam-2024-dat-7-5-130324.htm