Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giáo sư Đinh Xuân Lâm, một trong “tứ trụ” (Lâm, Lê, Tấn, Vượng) của nền sử học nước nhà đã rời xa cõi tạm 8 năm nhưng những di sản ông để lại vẫn có giá trị trường tồn.
Sáng 25/2, Triển lãm và tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức đã quy tụ những nhà khoa học, những cơ quan, đơn vị đào tạo, nghiên cứu và hiệp hội được Giáo sư Đinh Xuân Lâm sáng lập, phát triển. Họ đã cùng tổng kết những di sản của Giáo sư Đinh Xuân Lâm cũng như đánh giá sức sống, sự lan tỏa của những di sản này trong dòng chảy khoa học và giáo dục đương đại.
Nhà sử học lớn
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Hơn 90 năm tuổi đời, 70 năm theo đuổi sự nghiệp trồng người, hơn 60 năm nghiên cứu, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm đã để lại một di sản thật đồ sộ.”
Giáo sư Đinh Xuân Lâm sinh ngày 4/2/1925 tại Hà Tĩnh trong một gia đình quan lại triều Nguyễn. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1956, ông được giữ lại làm giảng viên chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông được biết đến rộng rãi ở cả trong và ngoài nước như là một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam hiện đại (cùng với các giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn, Giáo sư Trần Quốc Vượng), người góp phần tạo nên một trường phái sử học - trường phái Đại học Tổng hợp.
Với trình độ chuyên môn cao, Giáo sư Đinh Xuân Lâm không chỉ được mời giảng dạy ở nhiều trường đại học trong nước còn được mời làm chuyên gia giáo dục tại Madagascar và là giáo sư thỉnh giảng tại Hà Lan, Pháp.
Trong gần 60 năm cầm bút (tính đến năm 2015, khi công trình cuối cùng của Giáo sư Đinh Xuân Lâm được công bố), ông đã có hơn 500 ấn phẩm khoa học, bao trùm nhiều vấn đề của khoa học Lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam cận đại (từ khi thực dân Pháp xâm lược đến Cách mạng tháng Tám thành công).
Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các nhà sử học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khánh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay những đóng góp nổi bật của Giáo sư Đinh Xuân Lâm có thể kể đến như nghiên cứu làm rõ sự đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; các nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát hiện và giới thiệu tư liệu lịch sử mới; trao đổi và đối thoại học thuật với học giả quốc tế…
Giáo sư Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh những nghiên cứu của Giáo sư Đinh Xuân Lâm về các nhân vật lịch sử, nhất là các nhân vật còn những tồn nghi như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, hoặc có ý kiến trái chiều như Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết… “Đó là những đóng góp riêng biệt, rất nổi bật và quan trọng của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm trong việc tháo gỡ những điểm rối, những ‘nút thắt’ trong nghiên cứu sử học, góp phần đưa đến nhận thức khoa học và tiệm cận với thực tế lịch sử,” Giáo sư Nguyễn Văn Khánh nói.
Chia sẻ về Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định Giáo sư Đinh Xuân Lâm là người có nhiều tìm tòi, phát hiện mới có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu và theo phương pháp nghiên cứu coi trọng tư liệu, tôn trọng sự thật lịch sử. Ông luôn luôn cập nhật kiến thức khoa học và sẵn sàng thay đổi quan điểm trước những kết quả nghiên cứu mới, trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử và là chỗ dựa cho các học trò về kiến thức, về việc định hướng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu.
Triển lãm, trưng bày ảnh và các công trình nghiên cứu chọn lọc, khắc họa sự nghiệp và cuộc đời của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Là một trong những học trò của Giáo sư Đinh Xuân Lâm đồng thời là một nhà sử học, Giáo sư Đỗ Quang Hưng cho biết phong cách sử học của Giáo sư Đinh Xuân Lâm kết hợp cả phương đông và phương tây, nhuần nhuyễn về phương pháp luận. Là một con người văn chương, cách ông viết sử cũng rất đặc biệt, không khô cứng mà vừa dễ đọc, vừa hóm hỉnh, chơi chữ.
Người thầy nhân cách lớn
Không chỉ số lượng công trình nghiên cứu đồ sộ, Giáo sư Hoàng Anh Tuấn khẳng định di sản to lớn Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm để lại còn là hàng nghìn học trò, trong đó không ít người đã thành danh, giữ những trọng trách trong môi trường giáo dục, đào tạo và khoa học của đất nước cũng như trong các tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương và các địa phương. Đó còn là dấu ấn tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở trong và ngoài nước với tư cách là chuyên gia, giáo sư thỉnh giảng…
Tự hào là một trong những học trò của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Vũ Dương Ninh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xúc động kể về những kỷ niệm với người thầy mình đặc biệt kính trọng. “Điều tôi học được nhiều nhất ở thầy chính là thầy sửa cho tôi bài giảng bằng tiếng Pháp. Mỗi khi chuẩn bị xong một bài, tôi lại xin thầy sửa. Thầy dùng bút đỏ, đánh dấu, gạch xóa những chỗ nên viết lại câu cho đúng, giảng giải cách dùng thuật ngữ nào hay hơn, chính xác hơn, nói thế nào để sinh viên dễ hiểu hơn. Cứ như vậy, ngày qua ngày, nét mực đỏ giảm dần và đến năm sau, tôi có thể chủ động trong công việc,” Giáo sư Vũ Dương Ninh nhớ lại.
Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung cũng tự hào vì có thời gian dài “cắp sách” theo thầy – Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm. Thầy luôn chia sẻ những điều rất trí tuệ và tâm huyết, như nghiên cứu lịch sử, dạy lịch sử trước hết để tự hoàn thiện mình, để tự dạy mình, vì phải tự thuyết phục được mình mới thuyết phục được trò.
Và với sự tận tâm ấy, thầy Đinh Xuân Lâm đã không chỉ trao truyền cho học trò kiến thức mà còn là tấm gương nhà giáo chân chính cho những học trò noi theo. Những học trò ấy của ông nay nhiều người đã là những giáo sư, tiếp bước con đường vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu của thầy và lại tiếp tục trở thành tấm gương cho những thế hệ tiếp nối.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm (bên phải) và Giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: BTC)
Đánh giá cao những đóng góp và cống hiến khoa học trong lĩnh vực sử học, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã được Đảng và nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất (2006), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2016) và truy tặng ông Giải thưởng nhà nước về Khoa học và Công nghệ với công trình Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam.
Giáo sư Hoàng Anh Tuấn xúc động kể lại, năm 1988, khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã tâm sự: “Huân chương vô giá, đối với tôi, đó chính là thế hệ các anh và những thế hệ sau các anh mà tôi đã góp phần đào tạo, những thế hệ đã và đang đóng góp lao động có ích cho xã hội ở nhiều lĩnh vực".
“Hơn tất cả, di sản Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm để lại chính là tình cảm và sự tiếp nối con đường của ông của nhiều thế hệ học trò,” Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói.
Cũng theo Giáo sư Hoàng Anh Tuấn, khoa học và giáo dục hiện nay đang đứng trước những thử thách và biến đổi lớn lao chưa từng có. Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, con người lại càng cần quay về đứng vững trên những giá trị cốt lõi. Kỹ năng mới, tư duy mới cần phát triển trên nền tảng học thuật và giá trị nhân văn.
“Cuộc sống biến đổi hằng xuyên, giáo dục đại học thay đổi từng ngày nhưng có những giá trị, những tấm gương vĩnh viễn thuộc về niềm kiêu hãnh và tự hào của chúng ta. Tôi hy vọng, tìm hiểu và chiêm nghiệm về chân dung 1 người thầy – Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm chính là cơ hội để mỗi người chúng ta tìm về những giá trị của khoa học, của yêu thương và đạo đức, củng cố bản lĩnh người thầy, sẵn sàng đón nhận những thử thách và vận hội mới,” Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói./.
(Vietnam+)