Mở ra không gian văn hóa cho Nhân dân Thủ đô
Từ ngày 2/1/2025, hai điểm di tích tiêu biểu trên khu vực phố cổ Hà Nội là Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây và di tích số 22 phố Hàng Buồm chính thức thu phí tham quan theo Nghị quyết số 44/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND TP Hà Nội về quy định thu phí tham quan tại các công trình văn hóa, di tích lịch sử và bảo tàng. Giá vé tham quan là 20.000 đồng/lượt/người.
Vở cải lương “Cành khế ngọt” biểu diễn tại không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: Lại Tấn
Cùng với đó, tại những không gian này còn tổ chức các triển lãm hay biểu diễn nghệ thuật truyền thống như vở cải lương “Cành khế ngọt” do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện, đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng và ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vừa qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình Làng Việt tổ chức chương trình văn hóa mang chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2025”, thu hút hàng trăm người dân, trong đó có nhiều bạn trẻ tham gia. Các đoàn rước lễ, diễu hành cổ phục đầy sắc màu đi qua các con phố trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm không chỉ mang lại không khí rộn ràng của ngày Tết mà còn truyền tải, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Có thể nói, thời gian qua, với việc đa dạng hóa nhiều hoạt động, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Nhìn lại lịch sử, năm 2004, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân được triển khai nhằm góp phần quảng bá, bảo tồn không gian phố cổ, phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống, tạo thêm việc làm, từng bước khôi phục làng nghề truyền thống trong khu phố cổ.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, sau hơn 20 năm tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân hoạt động, nhận thức của người dân cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên tuyến phố về chủ trương phát triển dịch vụ, du lịch trong khu vực phố cổ Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực. Hiệu quả đạt được của tuyến phố đi bộ được thể hiện khá rõ qua sự cải thiện cảnh quan, môi trường khu vực, cơ sở hạ tầng được nâng cấp.
Lần lượt các năm 2014, 2016, quận Hoàn Kiếm có thêm không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Năm 2020, việc mở rộng không gian đi bộ từ khu vực phía Nam phố cổ kết nối khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoại, du lịch văn hóa, ẩm thực.
Theo thống kê, các không gian đi bộ ở Hoàn Kiếm hoạt động hiệu quả, đã tổ chức hơn 9.000 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại. Trong đó có hơn 2.400 buổi biểu diễn tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và hơn 6.800 buổi biểu diễn tại tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, hoạt động của các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận đã tạo ra sản phẩm du lịch mới của TP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tạo ra không gian văn hóa cho Nhân dân Thủ đô. Điều đó khẳng định chủ trương mở tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội của quận Hoàn Kiếm là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển.
Chương trình "Tết Việt - Tết phố 2025" tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Ngọc Tú
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cũng nhận định, phố đi bộ và những trải nghiệm đêm đã làm cho Hà Nội sinh động, phong phú. Hà Nội không chỉ có “ăn tối rối nước” mà còn nhiều hơn thế, đó là đời sống hơn một nửa của con người là thời gian rảnh rỗi.
"Văn hóa phải “lấp đầy” một cách thú vị cho thời gian này để con người, nhất là giới trẻ không bị lâm vào thế bế tắc khi thiếu điều kiện vui chơi, giải trí. Chủ trương này được cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng, minh chứng cho sự đổi mới đúng đắn, hiệu quả về nhận thức và hành động của văn hóa Thủ đô Hà Nội” - TS Nguyễn Viết Chức nói.
Phát huy giá trị di tích
Nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, quận Hoàn Kiếm có một kho tàng giá trị vật thể với 190 di tích, gồm 66 đình, 39 đền, 15 chùa, 57 di tích cách mạng và 13 công trình di tích khác. Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận đã đạt được một số kết quả nhất định. Các giá trị di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy (khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp quận và 7 lễ hội cấp phường).
Các lễ hội được khôi phục gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang; Lễ hội đền Bạch Mã; Lễ hội đình Yên Thái, đình Kim Ngân; Lễ hội Trung thu phố cổ... Quận cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, triển lãm, trình diễn nghề thủ công truyền thống, biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại các điểm di tích và không gian đi bộ như: đình Kim Ngân, đình Tú Thị, đình Hà Vĩ, đình Phả Trúc Lâm, Trung tâm Thông tin di sản phố cổ, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, Ngôi nhà di sản, không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận… thu hút đông đảo người dân, du khách quan tâm, tham gia.
Tính đến nay, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức trên 1.000 cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật, trình diễn nghề truyền thống, biểu diễn âm nhạc truyền thống, các hoạt động trải nghiệm, tương tác…
Diễu hành cổ phục trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Ngọc Tú
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến còn nhiều khó khăn, tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích; giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân, cơ quan, đơn vị, trường học ra khỏi di tích tuy có cố gắng nhưng còn chậm.
Ngoài ra, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và Nhân dân để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của quận trung tâm Thủ đô. Công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá giới thiệu giá trị di sản văn hóa chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp đồng bộ với các đơn vị du lịch, lữ hành.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, thời gian tới, quận tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa và hoạt động không gian đi bộ. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, huy động nguồn lực của toàn xã hội quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, giải quyết hợp lý yêu cầu bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị lịch sử khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Theo ông Phạm Tuấn Long, khu phố cổ Hà Nội với quỹ di sản phong phú ngày càng được nhận diện rõ hơn để bảo tồn và phát huy giá trị. Do đó, cần được nghiên cứu sâu hơn, tập trung nguồn lực để nâng tầm giá trị để khu phố cổ Hà Nội không chỉ là di tích quốc gia mà còn là di tích quốc gia đặc biệt.
“Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã quan tâm, tập trung đầu tư giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị các di tích còn nhiều hạn chế. Vì vậy, quận rất mong các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ quận nghiên cứu, lập Đề án phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống tại các di tích đình thờ Tổ nghề trên địa bàn quận nhằm thu hút du khách và Nhân dân tới tham quan, tìm hiểu các giá trị di sản văn hóa” – ông Phạm Tuấn Long đề nghị.
Thiên Tú