Giáo sư Đặng Văn Chí (sinh năm 1954 tại TP.HCM) hiện là Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ), được biết đến là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học-ung thư học nổi tiếng toàn cầu. Những công trình của ông tập trung vào các tế bào ung thư và di truyền, đặc biệt là cách mà tế bào ung thư sử dụng năng lượng.
Ông là tác giả của 2 cuốn sách, hơn 250 bài báo và chương sách về khoa học cũng như y học. Với khoảng 60.814 trích dẫn khoa học trên Google Scholar, ông là một trong những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất về ung thư.
Giáo sư Đặng Văn Chí. Ảnh: Wistar Institute.
'Làm việc là đi nghỉ': Di sản từ người cha và 7 anh em bác sĩ
Lớn lên trong gia đình có 10 anh chị em, GS Đặng Văn Chí là con thứ sáu và được gọi thân mật là "bé Bảy". Cha ông, bác sĩ Đặng Văn Chiếu, là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam và từng là trưởng khoa Đại học Y khoa Sài Gòn.
GS Chí luôn coi cha mình là hình mẫu lý tưởng. "Di sản lớn nhất mà ba tôi để lại là bài học về lòng nhân ái. Là bác sĩ, ông luôn buồn bã mỗi khi bệnh nhân qua đời, cảm giác như mất đi một người thân. Chính sự đồng cảm đó đã thôi thúc ba tôi không ngừng tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả hơn”, ông chia sẻ.
Khi còn nhỏ, ông từng thắc mắc tại sao cha không bao giờ nghỉ ngơi. Cha ông trả lời rằng công việc chính là niềm đam mê, và mỗi ngày làm việc cũng giống như đi nghỉ. Lời dạy ấy đã khắc sâu vào tâm trí cậu bé Chí, trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp sau này. "Tôi tự nhủ, nếu ba có thể làm việc mỗi ngày như vậy, tại sao tôi không chọn công việc mình yêu thích để ngày nào cũng được nghỉ?", ông nhớ lại.
Truyền thống gia đình được tiếp nối khi cả bảy anh chị em của GS Chí đều trở thành bác sĩ. Khi trở thành sinh viên tại Đại học Johns Hopkins - một trong những trường y tốt nhất nước Mỹ, ông nhận ra lời dạy của cha hoàn toàn đúng. Mỗi ngày đi làm với ông đều nhẹ nhàng như người ta được đi nghỉ.
Từ nỗi đau mất người thân đến liệu pháp 'canh giờ' trị ung thư
Giáo sư Chí theo đuổi một hướng đi khác biệt trong điều trị ung thư: tận dụng thời sinh học (chronotherapy). Phương pháp này dựa trên việc canh thời điểm dùng thuốc sao cho phù hợp với nhịp sinh học 24 giờ của cơ thể, nhằm tối đa hóa hiệu quả diệt tế bào ung thư và giảm thiểu tác dụng phụ lên các tế bào khỏe mạnh. Ý tưởng cốt lõi là tác động vào lúc tế bào ung thư dễ bị tổn thương nhất, hoặc khi tế bào khỏe mạnh có sức đề kháng cao nhất.
Đây không phải là khái niệm hoàn toàn mới. Các thử nghiệm từ những năm 1980-1990 đã cho thấy tiềm năng giảm độc tính và kéo dài sự sống cho bệnh nhân, nhưng phương pháp này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. "Không nhiều nhà sinh học nghiên cứu ung thư thật sự theo đuổi con đường giống tôi”, Giáo sư Chí thừa nhận.
Động lực lớn nhất thúc đẩy ông đến với hướng đi này là một biến cố cá nhân. Năm 2011, anh trai của Giáo sư Chí qua đời vì ung thư di căn mô mềm. Nỗi trăn trở của một bác sĩ chuyên khoa ung thư đã thôi thúc ông phải làm nhiều hơn nữa để tìm hiểu sâu hơn về quá trình di căn.
Thời điểm đó, ông đã có gần 25 năm cống hiến tại Đại học Johns Hopkins với vị trí Phó khoa Nghiên cứu. Tưởng chừng sẽ gắn bó mãi với nơi này, nhưng khi Đại học Pennsylvania mời ông về làm Giám đốc Trung tâm Ung thư – nơi từng có những phát kiến vĩ đại như tìm ra nhiễm sắc thể gây ung thư và phát triển liệu pháp tế bào T vào năm 2012, ông đã nhận lời.
Tại đây, ông đã có cơ hội nghiên cứu về đồng hồ sinh học, là chu trình sinh học phức tạp kiểm soát toàn bộ nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày như giấc ngủ, thói quen ăn uống, nhiệt độ cơ thể và nhiều chức năng sinh lý khác. Cơ thể con người có đồng hồ sinh học chính trong não và nhiều đồng hồ thứ cấp ở các cơ quan khác, cũng như riêng lẻ trong mỗi tế bào. Tất cả đều được điều khiển bởi một mạng lưới phức tạp gồm gen và protein kiểm soát.
Dựa vào nghiên cứu đồng hồ sinh học, ông và nhóm nghiên cứu nhận ra rằng, nếu ung thư là căn bệnh của sự phát triển tế bào và nhịp sinh học kiểm soát chu kỳ tế bào thì sự gián đoạn của đồng hồ sinh học bên trong là điều còn thiếu trong việc nghiên cứu sự phát triển và tăng trưởng của khối u.
Từ đó, nhóm đã đưa ra phương pháp cho bệnh nhân ung thư uống thuốc vào lúc 10 giờ sáng hoặc 18 giờ tối giúp giảm bớt sự phát triển của khối u. Với liệu pháp này, con người có thể can thiệp vào chức năng gan bằng cách xác định thời gian sử dụng thuốc, nhờ đó kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư.
Ung thư ở Việt Nam: Thách thức cũng là cơ hội
Những năm gần đây, GS Chí tập trung nghiên cứu kiểu gene ung thư MYC. MYC liên quan đến việc ngăn chặn gene trung tâm của đồng hồ sinh học trên động vật có vú, như BMAL1.
Gene này làm nhiễu loạn các chu kỳ dao động bình thường của điều chỉnh phân tử bên trong tế bào và thúc đẩy quá trình tổng hợp protein vào trạng thái bất thường, liên tục thúc đẩy sự phát triển khối u. Đây cũng là phát hiện, mà ông cảm thấy hài lòng nhất trong cuộc đời nghiên cứu của mình.
Trước thực trạng tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam còn cao, GS Đặng Văn Chí cho rằng đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội.
Theo ông, Việt Nam cần ưu tiên hai việc. Đầu tiên là tăng cường phòng ngừa: Đặc biệt với các loại ung thư đã có vắc xin, đây là cách hiệu quả nhất để giảm gánh nặng bệnh tật. Cùng với đó, đảm bảo tiếp cận thuốc: Cần có cơ chế để người bệnh thu nhập thấp có thể tiếp cận các loại thuốc tốt, giúp họ sống khỏe mạnh hơn.
Ông chỉ ra rằng, các công nghệ điều trị tiên tiến ở Mỹ tuy hiệu quả nhưng cực kỳ đắt đỏ, chỉ dành cho người giàu. Việt Nam, với điều kiện còn hạn chế, lại có một lợi thế riêng.
"Ở Việt Nam công nghệ điều trị ung thư còn hạn chế. Nhưng đây cũng là điểm lợi thế để chúng ta chú trọng hơn vào các công nghệ mới. Khi đầu tư vào công nghệ, chúng ta cần tìm cơ chế để nó có thể dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo”, ông nhấn mạnh.
Mai Nguyễn