Gửi lại ánh sáng cho đời

Gửi lại ánh sáng cho đời
7 giờ trướcBài gốc
Cách đây vài ngày, một câu chuyện xúc động đã diễn ra: Một bác sĩ ngành mắt nén lòng đứng lặng lẽ nơi góc phòng theo dõi đồng nghiệp phẫu thuật lấy đi giác mạc của mẹ ông khi bà vừa qua đời. Ít ai biết rằng trong cộng đồng còn hàng chục ngàn người đang chờ món quà sự sống - nguồn giác mạc - để tìm lại ánh sáng, tiếp tục cho những dự định còn dở dang.
Như một giấc mơ
Người thầy thuốc ấy là bác sĩ Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ nhiệm Khoa Mắt - Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội). Ông đã kìm nén nỗi đau mất người thân để thực hiện di nguyện cao cả của người mẹ 75 tuổi - hiến tặng giác mạc cho những bệnh nhân mù lòa. Mẹ bác sĩ Trung cũng từng là nhân viên Khoa Dược - Bệnh viện Quân y 103.
Ngay sau đó, giác mạc của người hiến đã được ghép thành công cho 2 bệnh nhân. Người đầu tiên được nhận món quà quý giá này là nữ bệnh nhân 50 tuổi, bị mù cả 2 mắt do bệnh loạn dưỡng giác mạc. Bà được ghép giác mạc và đã nhìn thấy ánh sáng.
Ghép giác mạc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Bị bệnh giác mạc khi 12 tuổi và phải bỏ học, cuộc sống của chị Tô Thị Th. (ở Ninh Bình) khổ sở trăm bề. Năm gần 30 tuổi, được ghép giác mạc một bên mắt từ nguồn hiến tặng, chị đã nhìn thấy ánh sáng song chưa trọn vẹn. Hơn một năm sau, chị được ghép giác mạc mắt còn lại.
"Khi được bác sĩ gỡ băng, mọi thứ hiện ra trước mắt tôi như một giấc mơ. Tôi không dám tin mắt mình lại nhìn được sau từng ấy năm. Từ chỗ chỉ quanh quẩn trong nhà, nay tôi có thể chạy xe máy, đi làm..." - chị Th. vui mừng.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sau ca ghép giác mạc
Tại lễ tôn vinh việc hiến giác mạc do Bộ Y tế tổ chức, chị Th. đã xúc động gửi lời tri ân đến các gia đình có người hiến tặng giác mạc để chị bước tiếp cuộc đời. Người phụ nữ này mong rằng nghĩa cử cao đẹp đó sẽ lan tỏa trong cộng đồng.
Với nam bệnh nhân 50 tuổi ở Nghệ An - bị chấn thương mắt cách đây 33 năm, mãi đến năm 2024 mới tìm lại ánh sáng từ giác mạc người cho chết não - thì niềm hạnh phúc khó tả bằng lời. Ông được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép giác mạc.
"Đây thực sự là một giấc mơ, tôi thấy mình như được sinh ra lần nữa. Từ nay, tôi có thể tiếp tục các dự định dang dở, gánh vác trách nhiệm với gia đình…" - ông bày tỏ.
Theo TS-BS Nguyễn Thế Hồng, Khoa Mắt - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ghép giác mạc đã giúp nhiều người tìm lại nguồn sáng. Phương pháp này có tỉ lệ thải ghép thấp; quá trình sử dụng thuốc chống thải ghép không phức tạp, tốn kém như ghép các tạng khác. Người được ghép giác mạc có quá trình phục hồi khá nhanh. Sau khi ghép chỉ khoảng 1 tuần, họ đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, sinh hoạt và làm những việc nhẹ nhàng.
PGS-TS Hoàng Thị Minh Châu - Giám đốc Ngân hàng mô, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - cho biết sau hơn 6 tháng, bệnh viện này đã ghép giác mạc hơn 40 ca. Trong đó, 1 trường hợp được ghép từ nguồn người hiến sau khi qua đời.
Lan tỏa lòng nhân ái
Hơn 17 năm trước, ngày 5-4-2007, người đầu tiên ở nước ta hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là cụ Nguyễn Thị Hoa, ngụ tỉnh Ninh Bình. Tấm lòng của cụ đã trở thành gương sáng, lan tỏa phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước.
Theo Bộ Y tế, đến nay, hơn 20 tỉnh, thành có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Trong đó, người hiến nhỏ nhất mới 4 tuổi và lớn nhất là hơn 107 tuổi. Trong gần 1.000 người hiến giác mạc được ghi nhận ở các địa phương, nhiều nhất là tỉnh Ninh Bình với gần 450 trường hợp, Nam Định hơn 330 trường hợp…
6 năm qua, kể từ khi bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) giã từ cuộc sống vì bệnh ung thư, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, vẫn tin con gái luôn ở bên mình và chị được gặp con theo cách đặc biệt. Trước khi mất, tâm nguyện của bé An là hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những bệnh nhân đang cần.
"Từ tâm nguyện của con tôi, 2 người mù đã tìm thấy ánh sáng. Điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi, từ nỗi đau đến niềm hạnh phúc, khiến tôi tin rằng con gái vẫn đang ở bên mình. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự sống hồi sinh nếu vượt qua nỗi đau mất người thân để chấp nhận cho đi một phần cơ thể của họ" - chị Dương thổ lộ.
Theo các chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc tuổi tác, giới tính. Nước ta có gần 1 triệu người bị mù do bị các bệnh lý khác nhau về mắt. Trong đó, ước tính trên 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng.
Trong số những bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60 và có cả trẻ em. Đến nay, mới khoảng 5.000 người được ghép giác mạc - quá ít ỏi.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hàng chục ngàn người đang chờ cơ hội để được nhìn thấy ánh sáng, trong đó có không ít trẻ em. Họ mong ước được ghép giác mạc để có thể tự mình đọc sách, ngắm nhìn gương mặt người thân, hay đơn giản chỉ là thấy được những sắc màu của cuộc sống. Theo ông, một người qua đời nếu giác mạc được hiến tặng có thể sẽ mang lại ánh sáng cho 2 người khiếm thị.
"Đây là một hành động nhân ái, góp phần mang lại cuộc sống mới cho những người mắc bệnh về mắt. Bằng cách hiến giác mạc, chúng ta không chỉ giúp đỡ người bệnh mà còn để lại nguồn sáng quý giá cho cuộc đời, biến sự ra đi của mình trở nên ý nghĩa hơn" - lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận.
Vượt qua rào cản, định kiến
Nước ta hiện có 10 đơn vị có ngân hàng mô/giác mạc. Ngân hàng đặc biệt này là nơi tiếp nhận, bảo quản và phân phối các mô, giác mạc được hiến tặng.
Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất. Tuy vậy, thực tế vẫn còn những rào cản, định kiến về vấn đề này. Trong khi đó, đây là món quà vô giá đối với những người đang thấp thỏm, tuyệt vọng do mù lòa.
Bài và ảnh: NGỌC DUNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/gui-lai-anh-sang-cho-doi-196241003194224667.htm