Gửi lòng thành về với tổ tiên dịp Tết Thanh minh

Gửi lòng thành về với tổ tiên dịp Tết Thanh minh
19 giờ trướcBài gốc
Chị Vũ Thị Hằng, quê TP Hải Dương đang làm việc tại Hà Nội, tranh thủ đi mua đồ cúng để cuối tuần về quê tảo mộ cùng gia đình. Với chị, đây không chỉ là dịp để bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để sum họp, gắn kết các thế hệ trong gia đình
Nhiều người mang theo nước sạch, nước thơm lau chùi, dọn dẹp cho khu lăng mộ tổ tiên dịp Tết Thanh minh tại Nghĩa trang nhân dân TP Hải Dương
Tại thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách), bà Nguyễn Thị Liên tất bật mua hoa cúc để trồng tại phần mộ tổ tiên
Anh Phạm Văn Quân, chủ một vườn hoa cúc ở thôn Phù Liễn cho biết mỗi năm đến dịp Thanh minh, người dân tìm mua hoa cúc nhiều bởi đây là loại hoa tượng trưng cho sự hiếu thảo và lòng thành kính
Bà Phạm Thị Vượng ở thôn Vạn Tài, xã Hồng Phong tranh thủ cùng cháu nội ra dọn dẹp phần mộ tổ tiên trước khi cúng tại nhà vào ngày hôm sau. Đối với bà, việc chăm sóc phần mộ không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn là cách để giáo dục con cháu về truyền thống gia đình
Không chỉ người lớn, nhiều bạn trẻ cũng có dịp hiểu hơn về phong tục truyền thống. Em Nguyễn Kim Hiệp (sinh năm 2011) háo hức cùng bà nội đi tảo mộ, nhờ vậy em có cơ hội hiểu về ý nghĩa của Tết Thanh minh và thêm trân trọng truyền thống gia đình
Sau khi tảo mộ, các gia đình trở về nhà tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng. Dù 4/4 mới đúng ngày Tết Thanh minh nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tập ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) làm cơm từ hôm 3/4 bởi có sự quây quần của tất cả thành viên trong gia đình
Mâm cơm cúng cũng đơn giản gồm các món ăn quen thuộc như xôi, gà luộc, giò chả, canh măng... Bởi theo ông Tập, dù đơn giản hay cầu kỳ, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính của con cháu, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã khuất trong tiết Thanh minh
Bên cạnh nghi lễ tảo mộ và làm cơm cúng tại địa phương, dòng họ Phan Văn ở xã Kim Anh (Kim Thành) còn vào Thanh Hóa tảo mộ cụ tổ họ Phan. Đây là một hành trình đầy ý nghĩa nhằm thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, đồng thời gắn kết các thành viên trong dòng tộc. Ngoài ra, hằng năm dòng họ Phan Văn còn tổ chức lễ cúng Thanh minh tại nhà thờ họ và trao thưởng khuyến học cho các cháu có thành tích học tập tốt
Tết Thanh minh là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của người Việt. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất bằng việc dọn dẹp phần mộ, dâng hương hoa, thực hiện các nghi lễ cúng bái. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, Thanh minh còn là dịp để các gia đình sum họp, giáo dục con cháu về truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
Năm nay, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4 dương lịch. Ngày Tết Thanh minh rơi vào thứ sáu, ngày 4/4 (tức ngày 7/3 âm lịch).
VĂN TUẤN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/gui-long-thanh-ve-voi-to-tien-dip-tet-thanh-minh-408709.html