Phố Gangnam ở Hàn Quốc đầy ắp những biển hiệu của cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: The New York Times.
Ở Hàn Quốc, các cuộc trò chuyện thường bắt đầu bằng câu hỏi: “Bạn bao nhiêu tuổi?”. Bởi, hai bên cần dựa vào tuổi tác để lựa chọn cách xưng hô phù hợp.
Khi nghe tuổi của đối phương, phép lịch sự tối thiểu yêu cầu người còn lại thốt lên câu: “Thật sao? Bạn nhìn trẻ hơn nhiều”, bất kể ngoại hình của người đối diện trẻ hay già. Đối phương sẽ đáp lại: “Không, trông bạn còn trẻ hơn”, bất kể họ có ý đó hay không.
Đáng nói, cách giao tiếp này không chỉ phổ biến ở tuổi trung, cao niên mà còn được áp dụng ở người thuộc độ tuổi 20-30. Ở Hàn Quốc, điều nhạy cảm nhất là đoán đúng tuổi thật của ai đó. Các chuyên gia tâm lý khuyên họ không nên cố chống đối quy luật tự nhiên và có thái độ phù hợp.
Ám ảnh với gương mặt baby
Xã hội Hàn Quốc cho rằng người sở hữu càng nhiều đặc điểm của trẻ sơ sinh thì càng đẹp. Các yếu tố bao gồm một làn da căng bóng, không nếp nhăn, gương mặt tròn đầy và cằm nhỏ là biểu tượng của thanh xuân ở xứ sở kim chi.
Những người được khen có các đặc điểm này thường thấy tự hào như thể mình vừa đạt được thành tựu đáng kể, theo nhiều cô gái chia sẻ với The Korea Herald.
Bác sĩ thẩm mỹ Kim Tae-kyun chỉ ra 3 tiêu chuẩn sắc đẹp thường được ưu ái ở Hàn Quốc là khuôn mặt hình tam giác ngược, làn da đều màu và không có nếp nhăn.
“Nhiều người đến gặp tôi và chấp nhận bỏ hàng trăm nghìn USD để tái tạo làn da từ 50 tuổi trở về 20-30 tuổi. Điều đó đôi khi cũng khả thi”, ông nói.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc sẵn sàng chi hàng trăm nghìn USD để có làn da mịn màng, không nếp nhăn. Ảnh: The New York Times.
Tại Hàn Quốc, nội dung quảng bá bí quyết "lão hóa ngược" tràn ngập mạng xã hội. Diễn viên Choi Hwa-jung (63 tuổi) là trường hợp điển hình. Video chia sẻ bí quyết giữ mãi tuổi xuân của bà trên YouTube thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem, tính đến ngày 11/11/2024.
Trong đó, Choi đưa lời khuyên để khán giả ngăn rụng tóc, chăm sóc làn da rạng rỡ không tì vết.
“Bạn có thể chăm sóc da bằng Ulthera”, bà nhắc đến phương pháp điều trị bằng sóng siêu âm làm săn chắc da. “Đó là biện pháp chỉ cần thực hiện mỗi năm một lần mà giúp bạn có làn da như em bé trong suốt 365 ngày”.
Các bài viết tôn vinh trạng thái “dongan” (tạm dịch: gương mặt trẻ sơ sinh) xuất hiện khắp nơi. Nội dung này đánh vào tâm lý của mọi lứa tuổi, cung cấp kiến thức để chống lại quá trình lão hóa, từ chăm sóc da đến mẹo trang điểm.
Với nhiều người, những bài viết, video đó như chất xúc tác mạnh mẽ, củng cố mong muốn đảo ngược quá trình lão hóa của mọi người.
“Khi xem nội dung và quảng cáo đó, tôi nghĩ mình nên đi phẫu thuật làm săn chắc da”, Song Su-jung (40 tuổi) cho biết. “Tôi thấy mình đang bỏ lỡ điều gì đó khi nói chuyện với bạn bè rồi phát hiện mình là người duy nhất không bỏ tiền xóa nếp nhăn”.
Gương mặt baby của Jennie (BLACKPINK) được xem là tiêu chuẩn cái đẹp ở Hàn Quốc, theo Korea Herald. Ảnh: @jennierubyjane.
Sao phải “chống lão hóa”?
Năm 2017, tạp chí làm đẹp Allure của Mỹ gây chú ý khi tuyên bố không sử dụng thuật ngữ “chống lão hóa”.
“Chúng tôi quyết định ngừng sử dụng thuật ‘chống lão hóa’. Chúng ta đang củng cố thông điệp lão hóa là tình trạng cần chống lại, giống như thuốc chống trầm cảm, phần mềm diệt virus hay thuốc xịt chống nấm”, đại diện tạp chí viết.
Ở khía cạnh tâm lý, các chuyên gia nhấn mạnh thái độ “thù địch” với tình trạng lão hóa của cơ thể có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí có hành vi tự làm hại bản thân, theo ông Kim Huyn, nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép tại New York (Mỹ) đồng thời là phó giáo sư tâm thần tại Trung tâm Y tế Irving của Đại học Columbia.
Hàn Quốc được mệnh danh là "thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ" của thế giới nhờ công nghệ chăm sóc sắc đẹp phát triển. Ảnh: New Yorker.
Ông Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn vào cơ thể đang già đi mà không phán xét.
“Nhìn vào bản thân, bạn đừng nghĩ: ‘Tôi có nếp nhăn ở đây nên trông tôi không mấy hấp dẫn’. Hãy cố giữ tâm thái không dán nhãn đẹp, xấu khi dấu hiệu lão hóa xuất hiện”, ông nói.
Kim nói thêm mọi người nên xem lão hóa là quá trình ai cũng phải trải qua. Ông khuyên những người bị ám ảnh bởi tuổi thanh xuân hãy tập trung vào các giá trị cá nhân và bỏ qua áp lực xã hội.
Đồng tình với Kim Huyn, nhà tâm lý học Lee Seon-kyung gợi ý 3 chiến lược để đón nhận tuổi già một cách lành mạnh, bao gồm: lòng trắc ẩn với bản thân, xây dựng mạng lưới hỗ trợ và thay đổi quan niệm về lão hóa.
"Thay vì sợ hãi, hãy xem tuổi tác là sự tích lũy trí tuệ. Khi thay đổi góc nhìn, chúng ta có thể phá bỏ những định kiến tiêu cực về việc già đi", Lee nói.
Đông Tùng