Hà Nam: Đẩy mạnh cơ giới hóa để phát triển nông nghiệp bền vững ở Thanh Liêm

Hà Nam: Đẩy mạnh cơ giới hóa để phát triển nông nghiệp bền vững ở Thanh Liêm
một ngày trướcBài gốc
Huyện Thanh Liêm hiện có tổng diện tích gieo cấy khoảng 5.600 ha. Trước đây, hơn 90% diện tích được nông dân áp dụng phương pháp gieo thẳng. Hạn chế của phương pháp này là tình trạng cỏ nhiều, sâu bệnh phát triển, nông dân mất công tỉa dặm, ảnh hưởng đến năng suất lúa… Để khắc phục, địa phương này đã lựa chọn gieo cấy làm khâu đột phá trong sản xuất lúa.
Trên cơ sở triển khai hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020-2023 của tỉnh Hà Nam, các mô hình lúa cấy máy đầu tiên được Thanh Liêm thực hiện tại những nơi có diện tích lúa gieo thẳng bị ảnh hưởng nặng do lúa cỏ gây hại gồm các Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp: Thanh Hà, Thanh Lưu và Bắc Sơn. Mô hình phát huy được hiệu quả tích cực, xử lý tốt lúa cỏ, nâng cao năng suất, giải quyết tình trạng thiếu lao động thời vụ. Từ hiệu quả đạt được, lúa cấy máy được mở rộng trong những vụ tiếp theo.
Nông dân huyện Thanh Liêm đẩy mạnh cơ giới hóa vào gieo cấy lúa. Ảnh: Báo Hà Nam
Tại xã Thanh Hà đã thành lập tổ dịch vụ mạ khay cấy máy đầu tư 1 giàn máy gieo mạ khay với trên 20 nghìn khay mạ, 3 máy cấy động cơ hiệu Kubota. Hiện nay, diện tích lúa được cấy máy tại xã đã đạt 220 ha, bằng 55% tổng diện tích gieo cấy. Theo chia sẻ của ông Lại Trung Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà: Áp dụng cơ giới hóa vào khâu gieo cấy giúp phát huy tốt hiệu quả sản xuất. Từ hiệu quả đạt được, địa phương tiếp tục chỉ đạo nhân rộng diện tích lúa cấy máy thay thế toàn bộ lúa gieo thẳng. Hướng đi này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện lúa gieo thẳng đang gặp nhiều hạn chế dẫn đến giảm năng suất.
Mô hình cấy máy tiếp tục được nhân rộng ở ở các HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Lưu (thị trấn Tân Thanh), Bắc Sơn (xã Liêm Sơn). Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 13 HTX, tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy. Tổng diện tích thực hiện mỗi vụ đạt 2.600 ha, chiếm gần 50% diện tích lúa. Phần lớn các địa phương trong huyện đều có diện tích lúa cấy máy từ 120 ha trở lên (trừ thị trấn Kiện Khê, do diện tích đất nông nghiệp còn ít nên chỉ thực hiện cấy máy được 10 ha).
Để mở rộng diện tích lúa cấy máy, huyện Thanh Liêm còn khuyến khích người dân mua máy cấy cầm tay phục vụ sản xuất hộ gia đình. Tại huyện hiện có tổng số 177 máy cấy, gồm: 30 máy cấy của hãng Kubota, 147 máy cấy cầm tay (máy Văn Lang). Các địa phương hỗ trợ về mặt bằng để khay mạ đáp ứng nhu cầu diện tích lúa cấy máy đã được ký hợp đồng với người dân. Nhờ vậy nhiều xã có diện tích lúa cấy máy đạt từ 50-90% diện tích, như: Thanh Nghị, Thanh Tân, Liêm Phong, Liêm Cần… Lúa cấy máy đem lại hiệu quả cao, cơ bản ngăn chặn được lúa cỏ phát triển, ít sâu bệnh. Về năng suất lúa cấy máy cao hơn 15-20% so với lúa gieo thẳng.
Hiện nay, cơ giới hóa trong nông nghiệp tại địa phương này được đẩy mạnh ở tất cả các khâu sản xuất. Trong đó, khâu làm đất, bơm nước đạt gần 100% diện tích; thu hoạch trên 95% diện tích, vượt kế hoạch đề ra. Khâu phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa được thực hiện khoảng 5% diện tích lúa và đang có xu hướng mở rộng… Theo tính toán những diện tích cơ giới hóa đồng bộ ở Thanh Liêm đạt hiệu quả cao hơn 20% cơ giới hóa một phần trước đây.
Mô hình phát triển tổ dịch vụ mạ khay tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Nam
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng. Khi áp dụng cơ giới hóa, sản xuất trên các cánh đồng được thực hiện cùng giống, cùng trà hình thành vùng sản xuất tập trung thuận lợi cho quá trình điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Máy móc nông nghiệp thay thế hiệu quả lao động thủ công, phù hợp với điều kiện chuyển dịch lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người làm nông nghiệp.
Trên đồng ruộng của huyện, nhờ được áp dụng cơ giới đồng bộ ở các khâu, chỉ cần 1-2 lao động cao tuổi vẫn đảm nhận được toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình trước đây cần đến 4-5 lao động. Chi phí dịch vụ cơ giới chỉ bằng 40-50% so với thuê lao động thủ công. Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Yêu cầu sản xuất giai đoạn mới và quá trình chuyển dịch lao động là những yếu tố chính đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ cơ giới hóa của từng khâu sản xuất đều tăng lên hằng năm, chủ lực hiện nay là áp dụng mạ khay, cấy máy.
Theo định hướng phát triển kinh tế của huyện Thanh Liêm, cơ cấu lao động sẽ tiếp tục chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong những năm tới. Vì vậy mà việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu. Từ đó, sản xuất trên đồng ruộng của huyện sẽ phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.
Sông Hồng
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/ha-nam-day-manh-co-gioi-hoa-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-o-thanh-liem-96009.html