Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 10% trở lên. Ảnh: VGP.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương sáng 8/1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2024, TP.HCM đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,17%, thu ngân sách đạt khoảng 508.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều dự án tồn đọng trong nhiều năm đã được khởi động lại và hoàn thành. Trong đó, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một dấu mốc quan trọng, không chỉ cải thiện hệ thống giao thông công cộng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển đô thị.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm khác được khánh thành vào cuối năm, cũng như nhiều dự án lớn, đề án lớn đã được chuẩn bị, như đề án trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị, vành đai 4, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Đẩy mạnh loạt dự án trọng điểm
Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm Chính phủ và Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng. Những hỗ trợ này không chỉ giúp giải phóng nguồn lực, mà còn tạo cơ sở để thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số ngay trong năm 2025.
Năm 2025, TP.HCM xác định là năm tăng tốc để về đích, hướng tới mục tiêu hoàn thành và vượt tất cả chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đồng thời chuẩn bị điều kiện cho nhiệm kỳ mới.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã chính thức vận hành vào cuối năm 2024. Ảnh: Quỳnh Danh.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Mãi cho biết TP đã đề ra 22 chỉ tiêu với 9 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Trong đó, có 5 nhiệm vụ hàng đầu được ưu tiên triển khai ngay từ đầu năm.
Cụ thể, TP sẽ tập trung tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng nâng cao hiệu lực và hiệu quả. Việc sắp xếp lại các chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, gắn với chuyển đổi số mạnh mẽ, không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn tối ưu hóa quy trình quản lý.
Cùng với đó, TP sẽ tiếp tục tháo gỡ các dự án tồn đọng, bao gồm cả công trình công và tư nhân, nhằm huy động nguồn vốn xã hội lên đến 620.000 tỷ đồng. Đây là con số quan trọng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng vượt 10% trong năm 2025.
Nhiều dự án trọng điểm như Trung tâm Tài chính Quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và tuyến đường sắt đô thị sẽ được đẩy mạnh triển khai ngay sau khi quy hoạch thành phố được Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài ra, TP.HCM còn đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản các công trình lớn như Nhà ga T3 và Vành đai 3 vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, TP sẽ khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo gắn với phát huy hoạt động của Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 trong mạng lưới Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Chủ tịch Mãi đồng thời cho biết sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa trung tâm Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo quốc gia phía Nam vào hoạt động.
Kiến nghị giải quyết triệt để các vướng mắc tồn đọng
Để đạt được những mục tiêu này, TP.HCM đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng. Trong đó, ông Phan Văn Mãi đề xuất thông qua cơ chế của Ban Chỉ đạo 1568, TP.HCM kỳ vọng có thể giải quyết triệt để các vướng mắc còn tồn đọng, giải phóng hàng chục nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất cần có khung pháp lý rõ ràng hơn trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và xã hội trong quản lý và phát triển kinh tế.
Một điểm đáng chú ý khác là tầm quan trọng của liên kết vùng trong chiến lược phát triển của TP.HCM. Ông Mãi nhấn mạnh hai vùng kinh tế trọng điểm là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nếu được khai thác hiệu quả, có thể đóng góp hơn 50% GDP cả nước.
Hồng Nhung