Hà Nam phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Hà Nam phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
8 giờ trướcBài gốc
Hỗ trợ hiệu quả
Hà Nam có diện tích khá nhỏ so với các tỉnh, thành khác trên cả nước, tuy nhiên lại có nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Do vậy, số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh khá đa dạng.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2014-2024, Hà Nam có gần 150 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, có 91 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 17 sản phẩm cấp khu vực, 3 sản phẩm cấp quốc gia.
Công nghiệp nông thôn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Hà Nam. Ảnh minh họa
Cùng với hoạt động tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Hà Nam đã hỗ trợ hữu hiệu cho những sản phẩm này phát triển sản xuất và thị trường thông qua nội dung: Đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm…
Đặc biệt, thông qua hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu, ngành Công Thương Hà Nam đã giúp cho các cơ sở trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu môi trường kinh doanh, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.
Có vải lụa hoa tơ tằm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, năm 2022, Sơn Thúy Silk được hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Theo ông Lê Thanh Sơn, chủ cơ sở sản xuất lụa Sơn Thúy Silk (thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên), điểm trưng bày sản phẩm được bài trí phù hợp đã giúp cơ sở thuận lợi hơn trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài tỉnh.
6 giải pháp hỗ trợ lớn
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hà Nam, sau hơn 20 năm thành lập tỉnh đến nay phát triển công nghiệp nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.
Hà Nam tiếp tục tổ chức bình chọn nhằm tìm ra những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ảnh minh họa
Dù vậy, công nghiệp nông thôn ở Hà Nam vẫn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính ổn định. Một số sản phẩm làng nghề do sản xuất chủ yếu bằng phương thức thủ công, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn yếu, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm làng nghề, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao... Chính vì thế, chưa có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cũng như cấp khu vực và cấp quốc gia.
Để tăng tính tác động của khu vực công nghiệp nông thôn nói chung, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tới phát triển chung của địa phương, Sở Công Thương Hà Nam xác định nhiều giải pháp hỗ trợ.
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về chính sách hỗ trợ khuyến công, xúc tiến thương mại và tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tới UBND cấp huyện, cấp xã, các hiệp hội, làng nghề, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền cho phù hợp với các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Tập trung tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của cơ sở có sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, từ đó nâng cao nhận thức, khuyến khích, vận động các cơ sở có sản phẩm mới tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.
Thứ hai, tiếp tục triển khai công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hà Nam đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả nhằm tạo sự lan tỏa mục đích ý nghĩa của công tác tôn vinh bình chọn tới người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường rà soát, triển khai hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đảm bảo bảo đúng đối tượng và chế độ ưu tiên, đặc biệt là các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Thứ tư, quan tâm sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được UBND tỉnh phân bổ, rà soát các đối tượng đủ điều kiện và ưu tiên đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Thứ năm, chủ động kết nối, giới thiệu các cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó chú trọng các cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với các trường đào tạo nghề để được tham gia các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, bồi dưỡng kiến thức quản trị … từ các nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Thứ sáu, luôn đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình hoạt động, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các cơ sở có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại đạt hiệu quả hơn.
Sở Công Thương Hà Nam kỳ vọng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn.
Hải Linh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ha-nam-phat-trien-san-pham-cong-nghiep-nong-thon-tieu-bieu-375397.html