Hà Nội: Bố trí phù hợp nguồn kinh phí cho việc thi hành Luật Thủ đô

Hà Nội: Bố trí phù hợp nguồn kinh phí cho việc thi hành Luật Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn trình bày Tờ trình của UBND TP đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức chi xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội.
Nhiều vấn đề mới, khó cần quy định chi tiết
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Luật Thủ đô năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô) đã được Quốc hội chính thức thông qua. Luật là bước thể chế hóa quan trọng các chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.
Luật Thủ đô được thông qua gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô 2012). Luật đã kế thừa, phát triển những quy định của Luật Thủ đô năm 2012; phát triển các cơ chế, chính sách đặc thù đang thực hiện thí điểm tại Thủ đô và các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Thủ đô trong thời gian tới. Đồng thời, thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách mới, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực.
Đối với những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, Luật cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện như các quy định về tài chính - ngân sách; quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị; khoa học công nghệ, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, xử lý vi phạm hành chính; nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển vùng...
TP Hà Nội xác định, Luật Thủ đô là văn bản pháp lý quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với TP, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP trên các lĩnh vực.
Trong đó, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một hệ thống các VBQPPL để quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền nhiều nội dung được giao; đồng thời, cần ban hành các văn bản cá biệt (như danh mục, đề án,…) về nhiều vấn đề quan trọng để tổ chức thi hành Luật.
Ngày 22/7/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trên cơ sở đó, UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đề xuất xây dựng danh mục ban hành văn bản để tổ chức triển khai thi hành Luật, đã xác định tổng số văn bản cần ban hành là 114 văn bản (gồm 94 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), 20 văn bản cá biệt), trong đó có 33 VBQPPL, 06 văn bản cá biệt của HĐND, UBND TP cần ban hành trong năm 2024; có 61 VBQPPL, 14 văn bản cá biệt của HĐND, UBND TP cần ban hành năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó xác định 6 nghị định để quy định chi tiết các nội dung được giao theo Luật Thủ đô cần ban hành trong năm 2024 và 2025 (trong đó 3 Nghị định phải trình Chính phủ trước ngày 15/10/2024).
Các nội dung Luật Thủ đô giao Chính phủ, HĐND, UBND TP Hà Nội quy định chi tiết, quy định theo thẩm quyền hoặc ban hành các văn bản cá biệt đều là những vấn đề mới, khó, cần tập trung nguồn lực, đầu tư nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng về cơ sở lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm trong nước và quốc tế; cần rà soát, so sánh, đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ, thuận lợi, hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thi hành Luật Thủ đô, không tạo những xung đột pháp lý giữa các văn bản pháp luật.
Một số nội dung mới còn cần sự khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương đang áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế (ví dụ như phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), Khu phát triển thương mại và văn hóa (BID), chính sách về cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển công nghiệp văn hóa, quản lý phát triển y học gia đình, vùng phát thải thấp, đầu tư mạo hiểm, đầu tư PPP trong một số lĩnh vực…).
Đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, thống nhất, khả thi của các văn bản
Lãnh đạo TP Hà Nội xác định, để triển khai Luật Thủ đô nói riêng, các văn bản pháp luật nói chung, công tác xây dựng các VBQPPL hướng dẫn quy định chi tiết là nhiệm vụ quyết định đến tính khả thi, hiệu quả khi thi hành Luật.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn đối với Thành phố.
Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, TP đã chuẩn bị và đôn đốc các đơn vị, địa phương được giao thẩm quyền chủ động vào cuộc với tinh thần “từ sớm, từ xa”, từ trước khi Luật được Quốc hội khóa XV thông qua.
TP Hà Nội cũng xác định, với tính chất, nội dung giao cho HĐND, UBND TP ban hành các quy định theo Luật Thủ đô thì mức độ phức tạp, yêu cầu về nội dung có tính chất tương đương như việc ban hành nghị định của Chính phủ để tổ chức thi hành Luật Thủ đô.
Đặc biệt, với yêu cầu xây dựng các VBQPPL và các văn bản cá biệt để tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm khoa học, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, một số nội dung được giao quy định chi tiết cần triển khai xây dựng, ban hành trước ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành (1/1/2025) để có hiệu lực cùng với Luật; nhiều nội dung văn bản cần ban hành có tính phức tạp, nhiều vấn đề mới chưa có trong quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam thì việc bố trí kinh phí cho việc xây dựng văn bản theo các quy định hiện hành là chưa bảo đảm, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Chính vì vậy, TP cần có cơ chế, chính sách riêng để bố trí ngân sách, quy định một số nội dung, mức chi cao hơn, ngoài nội dung, mức chi theo quy định của Trung ương cho nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra, UBND TP Hà Nội đã trình và HĐND TP đã thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức chi xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Nghị quyết được xây dựng dựa trên các quan điểm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.
Việc ban hành nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn, khả năng cân đối ngân sách của TP; theo đó, các nội dung, mức chi phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong chất lượng xây dựng văn bản, hiệu lực, hiệu quả của văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Nghị quyết áp dụng với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức của TP, chuyên gia tham gia hoạt động tư vấn xây dựng văn bản được giao theo quy định của Luật Thủ đô và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.
Nghị quyết quy định mức chi hoạt động xây dựng VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND TP; chi tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm nghiên cứu góp ý xây dựng nghị định của Chính phủ, VBQPPL, văn bản cá biệt thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND TP; chi thuê chuyên gia trong nước tư vấn các nội dung, nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô; chi thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn các nội dung, nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này sẽ tạo cơ chế mới trong chi ngân sách, bố trí đầy đủ, phù hợp nguồn kinh phí để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô; có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản để tổ chức thi hành Luật Thủ đô.
Qua đó, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các văn bản, đảm bảo Luật sẽ thực sự đi vào cuộc sống, tạo thể chế hiệu lực, hiệu quả, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Tường Minh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/ha-noi-bo-tri-phu-hop-nguon-kinh-phi-cho-viec-thi-hanh-luat-thu-do-post527702.html