Hình ảnh TP. Hà Nội hiện đại qua góc máy từ trên cao. Ảnh: Báo Tiền Phong
Hà Nội đã quản lý đô thị trực tiếp từ thành phố tới từng ngôi nhà
Từ năm 1914, Thành phố Hà Nội đã quy định việc xây dựng nhà ở phải xin phép xây dựng. Giấy phép xây dựng cấp cho công trình phù hợp quy hoạch, phòng cháy, vệ sinh… Tại các đường phố lớn hay ở vị trí quan trọng, các công trình còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiến trúc khắt khe. Sở Địa chính lập bản đồ các thửa đất toàn thành phố, còn bản đồ địa chính Hà Nội được Sở Quy hoạch Kiến trúc dùng làm nền để nghiên cứu quy hoạch.
Các chỉ giới quy hoạch (mở đường) được cập nhật vào bản đồ địa chính, làm cơ sở để cấp phép xây dựng, và là tài liệu tin cậy để quản lý đất đai, xây dựng và thuế khóa. Toàn thành phố có hơn 900 tờ bản đồ địa chính bao gồm các khu phố nội đô và các làng ven đô. Thành phố quản lý trực tiếp tới từng thửa đất, ngôi nhà, chủ hộ.
Bản đồ địa chính Hà Nội lập 1933-1956 đặt trên nền bản đồ vệ tinh hiện trạng. Căn cứ bản đồ này vẽ phục nguyên kiến trúc cũ để so sánh với các công trình mới hiện trạng.
Phường Cửa Nam có 53 ô phố ghép từ 82 tờ bản đồ địa chính (1933 - 1956). Tư liệu bản đồ, hình ảnh hay những phần còn lại của các kiến trúc trên mặt đất để vẽ phục nguyên các ngôi nhà, phục vụ bảo tồn kiến trúc cũng như học hỏi phương pháp quản lý, nghệ thuật thiết kế đô thị - xây dựng thành phố theo quy hoạch nửa đầu thế kỷ 20.
Vẽ 3D kiến trúc hiện trạng trên nền bản đồ địa chính mới dễ hơn vẽ nhà cũ và có tác dụng so sánh những phần cũ/ mới để phục vụ công tác quản lý theo quy định. Hiện nay có nhiều phần mềm đồ họa hiện đại lại được hỗ trợ bởi AI… việc lập hồ sơ nghiên cứu hay quản lý nhanh chóng, chính xác, chi phí thấp.
Chồng lớp bản đồ địa chính các thời kỳ để xây dựng hồ sơ địa chính chính tắc. Căn cứ phương án thiết kế đô thị và camera giám sát để quản lý đô thị, môi trường, giao thông tĩnh và động, trật tự an toàn xã hội… với sự hỗ trợ của các thiết bị tự động thu phí, thu phạt.
Quản lý đô thị hiện đại cần thông tin đa dạng
Trong hơn 25 năm qua, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để lập bản đồ quản lý đất đai và quy hoạch, nhưng cơ sở dữ liệu đất đai vẫn còn có những hạn chế. Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết đến năm 2025 cả nước mới có 495/696 cấp huyện cũ có dữ liệu địa chính; 46/100 triệu thửa đất có thông tin trong cơ sở dữ liệu, nhiều địa phương chưa kết nối, liên thông giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế, điều này đồng nghĩa chất lượng dữ liệu đất đai vẫn chưa bảo đảm(*).
Bản đồ địa chính Hà Nội mới, về độ tin cậy để lập quy hoạch hay không, cũng là điều cần thảo luận. Hà Nội vẽ quy hoạch nhiều, song có nhiều nội dung chưa thực hiện được do thiếu nguồn lực (như quy hoạch đường sắt đô thị) hoặc chưa phù hợp với các quy định (như quy hoạch đô thị bên sông chưa phù hợp Quy hoạch Phòng chống lũ và Luật Đê điều); Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh quy hoạch chung mới công bố chưa lâu đã phải chỉnh sửa bổ sung do thay đổi mô hình quản lý và không gian hành chính; chưa có vị trí trạm sạc điện cho vùng phát thải thấp… Bản đồ địa chính và quy hoạch nhiều nhưng còn thiếu thông tin và chưa tích hợp đồng bộ để phục vụ các nghiệp vụ quản lý hay lập trình phát triển.
Dẫn chứng một ví dụ để so sánh, bản đồ vệ tinh (Google Earth) cho thấy kiến trúc toàn thành phố New York (Mỹ) hiển thị 3D rất hấp dẫn, những hình ảnh “màu mè” nhưng thực ra xem cho vui mắt mà không hỗ trợ gì cho công tác quản lý. Vì vậy Sở Quy hoạch thành phố New York đã lập trang web "NYC Planning" từ bản đồ nền với các thuộc tính, tổ hợp thành các bảng dữ liệu chuyên đề (Dashboard) hiển thị thông tin từ tổng thể đến chi tiết về thuế, lô đất, chủ đất, mức phí bảo hiểm cháy nổ/ngập lụt…
Dashboard của một khu vực có chủ đề dân cư đã hiển thị dữ liệu các thành phần, thu nhập, chi phí cùng các cơ sở hạ hầng thiết yếu đang hoạt động với đánh giá chất lượng... Toàn bộ phần coding là open source (mã nguồn mở) và sẵn sàng chia sẻ bố cục thông tin, tổ chức dữ liệu.
Bản đồ vệ tinh thành phố New York (Mỹ) thể hiện hình ảnh 3D hấp dẫn nhưng không có tác dụng quản lý, trong khi trang web “NYC Planning” mới có nhiều thông tin hữu ích: ví dụ thông tin chi tiết của một thửa đất, hay dashboard cho biết các chỉ số kinh tế xã hội rất mạch lạc và tin cậy của một quận ở New York.
Các xã phường Hà Nội có thể lấy bản đồ địa chính chất lượng tốt dán lên bản đồ vệ tinh để làm nền cho hệ thống thông tin địa lý (GIS – Geographic Information System). Trên nền địa lý gắn các thông tin thuộc tính đa dạng: chủ sở hữu - quản lý, giá trị kinh tế, hiện trạng sử dụng khai thác… các “dashboard” hiển thị dữ liệu, số liệu thống kê, biểu đồ và thông tin quan trọng một cách trực quan và dễ hiểu, phục vụ các tác nghiệp quản trị kinh tế xã hội.
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) có thông tin xác định giá trị đất đai và tài sản trên đất chính xác thì mới giải phóng nguồn lực đầu tư từ nhượng quyền phát triển không gian (TDR: Transferable Development Rights). Tại nhà ga Tokyo (Nhật Bản) đã rất thành công TDR nhưng mô hình không thể thực hiện tại ga Hà Nội (Việt Nam) do thiếu thông tin đồng bộ.
Thông tin càng nhiều giá trị, xã hội càng giàu có
Dự án Grand Paris Express (Paris, Pháp) được khởi công từ năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào 2031 với tổng đầu tư 30 tỷ USD ngân sách thu xếp 70%. Nhưng do tiếp cận sáng tạo nên đến năm 2025, dự án đã đạt các mục tiêu cơ bản: không chỉ có thêm 200km đường sắt đô thị (ĐSĐT) kết nối với hàng trăm km ĐSĐT hiện có và hàng ngàn km tuyến xe bus, xe đạp, đi bộ… mà còn xây thêm hơn 30 triệu m2 nhà ở mới.
Dự án mở rộng không gian xanh công cộng và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới. Do phát triển bền vững, dự án thu hút đầu tư bằng trái phiếu "xanh" mạnh mẽ để không phải dùng tới ngân sách và rút ngắn thời gian hoàn vốn vào năm 2030 thay vì tới 2075 như dự tính ban đầu.
Căn cứ vào dữ liệu GIS của Paris, dự án đã chọn hướng tuyến đi qua khu tập trung dân cư lao động: họ là người có nhu cầu sử dụng giao thông công cộng cao và nhờ đó gia tăng cơ hội sinh kế.
Từ kinh nghiệm trên có thể thấy, các xã/ phường Hà Nội nếu xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) cũng sẽ hỗ trợ công tác khảo sát chính xác để đảm bảo thu hồi vốn nhanh cho những dự án quy mô lớn, thay cho những dự án được lập ra một cách chủ quan, thiếu khảo sát hiện trạng và dự báo nhu cầu thị trường nên không được các nhà đầu tư quan tâm.
Ví dụ như tuyến ĐSĐT số 3.2 dự kiến đầu tư rất đắt (1,7 tỷ USD để làm 8,5km), nhưng hướng tuyến đi qua khu đầm hồ Yên Sở, nơi có khu dân cư thưa thớt. Khu vực thu hút đủ khách đi tàu thì kéo dài thời gian thu hồi vốn, khiến rủi ro đầu tư rất cao… trong khi có thể đổi hướng đi ngầm qua sông Hồng. Với phương án này có thể đón 30-35 triệu khách/năm đi từ sân bay Gia Bình vào thành phố và thu hút lượng khách lớn từ các khu dân cư dày đặc hiện có tại Bắc sông Hồng, từ các ga đường sắt tốc độ cao từ Lào Cai qua Hà Nội xuống Hải Phòng.
Đi cùng các dự án hạ tầng lớn sẽ xuất hiện những tổ hợp đô thị hiện đại có mật độ xây dựng rất cao… Do đó, dữ liệu GIS sẽ hỗ trợ thông tin nghiên cứu dự án hiệu quả cũng như cung cấp cho các nhà đầu tư, các định chế tài chính nhận biết cơ hội đầu tư khả thi.
Căn cứ dữ liệu GIS của các xã phường, Hà Nội sẽ lập các dự án quy mô lớn nhưng hấp dẫn đầu tư xã hội vào các công trình đô thị hiện đại, mật độ cao, lợi ích nhiều mặt.
Ngoài ra khi các xã/ phường có hệ thống GIS sẽ giải phóng nguồn nhân lực quản lý thoát khỏi các tác nghiệp thủ công, giải phóng nguồn lực mới xuất hiện do thông tin cơ hội phát triển mới tin cậy đem lại. Việc xuất hiện các dự án đô thị hiện đại cũng là lúc cần đến các công cụ mới để quản trị thông tin công trình xây dựng (BIM – Building Information Management), một chuỗi các công nghệ hỗ trợ khác cùng đồng hành: Hệ thống quản lý dự án (Management Information System – MIS), Dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)(**). Vòng xoáy tiến hóa các tác nghiệp quản lý diễn ra không ngừng để Hà Nội tăng tốc theo kịp tốc độ phát triển chung của các đô thị hiện đại.
Tiếp theo việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và thông tin công trình xây dựng (BIM), Hà Nội hình thành hệ sinh thái công nghệ quản trị phát triển hiện đại.
Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
________________
(*) “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai: tiến độ phải song hành chất lượng”, báo giấy Kinh tế đô thị ngày 3.7.2025.
(**) Các nội dung mới này tác giả sẽ giới thiệu tại bài viết tiếp theo.