UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định Phê duyệt danh mục loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa.
Cụ thể, nhóm cây ăn quả (15 cây) được chuyển đổi trồng trên đất trồng lúa gồm: Cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh, quýt, quất, phật thủ...), ổi, táo, thanh long, mít, hồng xiêm, nhãn, chuối, xoài, vải, na, nho, đu đủ, vú sữa, bơ.
Cây dược liệu (3 cây) được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gồm: Hoa hòe, đinh lăng, hoa nhài.
Làng hoa Mê Linh
Loại cây lấy gỗ, cây bóng mát và cây cảnh (18 cây) lâu năm được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gồm: Hoa đào, hoa hồng, mộc hương, hải đường, tường vi, nguyệt quế, ngâu, mẫu đơn, cây tùng, hoa giấy, hoa ban, bàng đài loan, phượng vĩ, lộc vừng, cây chuông vàng, cây osaka, mai tứ quý, cây phát lộc.
UBND TP. Hà Nội giao Sở NN&PTNT phối với hợp UBND các quận, huyện triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa theo đúng quy định.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp trên toàn thành phố là 188.000 ha, trong đó hiện còn 165.593 ha đất trồng lúa.
So với các loại rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh, giá trị từ cây lúa không cao. Vì vậy, trong định hướng cơ cấu lại sản xuất trồng trọt, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất lúa từ 165.593 ha xuống còn 140.000 ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha). Thành phố cũng sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích đất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.
Việc Hà Nội cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được người dân đánh giá cao. Bởi lẽ, hiện nay giá trị sản xuất lúa không cao nên người dân không mặn mà. Thậm chí, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp khó khăn khiến người dân bỏ hoang, biến thành nơi đổ phế thải, chất thải... Do đó, với việc đa dạng hóa cây trồng trên đất trồng lúa sẽ khuyến khích người dân sản xuất, tránh bỏ hoang, lãng phí đất đai.
Thanh Hiếu