Hà Nội: Chuồng cọp 'giăng mắc' trên các chung cư cũ

Hà Nội: Chuồng cọp 'giăng mắc' trên các chung cư cũ
5 giờ trướcBài gốc
“Sợ trộm hơn sợ cháy”
Tháng 9/2023, vụ cháy chung cư mini tại ngách 29/70 Khương Hạ (Hà Nội) cướp đi sinh mạng của 56 người từng được xem là lời cảnh tỉnh chấn động. Sau gần 2 năm trôi qua, khi trở lại hiện trường, chúng tôi không khỏi rùng mình trước một khung cảnh hoang tàn đến lạnh người. Tòa nhà 9 tầng - nơi từng chen chúc hàng trăm sinh viên, công nhân thuê trọ, giờ được phủ bạt kín mít. Những vết ám khói trên tường, khung cửa cháy xém và “chuồng cọp” vẫn nằm đó trơ trọi, khiến ai nhìn cũng không khỏi xót xa.
“Chuồng cọp” vẫn xuất hiện trên các khu tập thể, chung cư cũ ở Hà Nội. Ảnh: Đức Sơn
Sau thảm họa cháy tại Khương Hạ, ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo rà soát, tháo dỡ chuồng cọp trên địa bàn TP Hà Nội. Một số phường tổ chức họp dân, tuyên truyền và vận động tự nguyện tháo dỡ. Nhiều hộ xung quanh khu cháy cũng chủ động tháo bỏ khung sắt, lắp thêm thang sắt thoát hiểm. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể toàn thành phố, số chuồng cọp được tháo vẫn chỉ là một con số nhỏ.
Khảo sát tại các khu tập thể cũ như Kim Liên, Thành Công, Giảng Võ, Trung Tự, Văn Chương… nơi mà nguy cơ cháy nổ cao do hệ thống điện xuống cấp, lối thoát hiểm chật hẹp thì tình trạng chuồng cọp vẫn tràn lan. Những khu chung cư cũ nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng thế nhưng tầng nào cũng giăng lưới sắt, nhiều căn hộ còn quây thêm lưới B40, hàn kín tứ phía, biến ban công thành nhà kho, phòng ngủ, thậm chí là nơi đặt bếp. Mỗi hộ một kiểu, nhưng có một điểm chung là tất cả đều bịt kín đường thoát hiểm bằng chuồng cọp.
Hình ảnh chuồng cọp giăng ngang, giăng dọc trên các khu nhà cũ đã trở thành một phần quen thuộc đến mức người dân… quên luôn đó là hiểm họa. Không ai phủ nhận nguy cơ cháy, nhưng dường như nhiều hộ dân vẫn coi trọng tài sản hơn tính mạng. “Nhà chật quá, ban công phải kê bếp, để đồ, thậm chí ngủ ngoài đó. Không rào lại thì trộm leo vào như chơi. Giờ bảo tháo thì ai cũng lo, vì tháo xong chẳng biết sống sao. Nếu có thiết kế an toàn, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tiền thì dân sẽ làm ngay, chứ không ai muốn tự nhốt mình trong lồng sắt cả” - bà Trần Thị Hạnh (khu tập thể Trung Tự) chia sẻ.
Bà Hạnh không phải người duy nhất. Tâm lý “sợ trộm hơn sợ cháy” khá phổ biến, đặc biệt trong các khu dân cư cũ không có bảo vệ.
Một vấn đề khác là tâm lý đám đông: “Nhà mình tháo, hàng xóm không tháo, cháy vẫn chết tập thể”. Câu nói của người dân sống ở chung cư cũ nghe qua tưởng bâng quơ, nhưng phản ánh đúng thực trạng: Không ai muốn là người tiên phong nếu xung quanh vẫn hàn kín. Và thế là mọi người cùng… chờ nhau.
Ngoài nỗi sợ, còn có nỗi lo tài chính. Theo ước tính, chi phí tháo dỡ chuồng cọp và lắp đặt thang sắt thoát hiểm hoặc cửa lưới an toàn đạt chuẩn có thể lên tới vài chục triệu đồng/hộ. Với những hộ nghèo, người già, hộ đơn thân, đây là khoản chi gần như bất khả thi. Trong khi đó, phần lớn chính quyền địa phương mới dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động. Việc hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế mẫu hay tài chính còn thiếu vắng.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia pháp lý, dù luật đã quy định khá đầy đủ, nhưng việc triển khai trên thực tế lại không hề dễ dàng. Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) yêu cầu loại bỏ các vật cản trở thoát nạn; Nghị định 136/2020/NĐ-CP cho phép cưỡng chế tháo dỡ; Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành vi vi phạm lên tới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua sau thảm họa cháy tại Khương Hạ, hầu như việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế là rất hạn chế. Những “lồng sắt” vẫn nằm lơ lửng tại nhiều chung cư cũ như thách thức thảm họa tiếp theo.
Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng luật sư Long Tâm nhận định: Vấn đề không nằm ở việc thiếu quy định, mà nằm ở việc không tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, bài bản và có trách nhiệm. Chính quyền cơ sở đôi khi còn ngại va chạm, thiếu hướng dẫn chi tiết. Còn người dân thì thiếu giải pháp thay thế, khiến tình trạng chuồng cọp vẫn tràn lên trên các chung cư cũ.
“Muốn xử lý hiệu quả vấn nạn chuồng cọp, không thể chỉ dựa vào tuyên truyền hay xử phạt nhỏ lẻ. Cần có quy trình cưỡng chế rõ ràng, có mẫu thiết kế thay thế ban công an toàn, có hỗ trợ kỹ thuật - tài chính cho hộ dân yếu thế, và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền - PCCC - xây dựng - tổ dân phố. Khi pháp luật được thực thi công bằng, minh bạch và hợp lý, thì vấn đề chuồng cọp sẽ không còn là nút thắt pháp lý, mà trở thành một bài toán có lời giải khả thi” - luật sư Hoàng nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, để xử lý dứt điểm chuồng cọp và nâng cao hiệu quả PCCC trong khu chung cư, đặc biệt là các chung cư cũ, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Không thể đơn độc trông chờ vào lực lượng PCCC. Muốn người dân tự giác tháo dỡ chuồng cọp, cả hệ thống chính trị cần đến từng nhà, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Theo ông Xiêm, phần lớn người dân không cố tình vi phạm, mà là thiếu kiến thức, hoặc chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm khi hàn kín lối thoát hiểm. Chuồng cọp với họ đơn giản là cơi nới thêm không gian sống, là biện pháp chống trộm, nhưng trong hỏa hoạn lại trở thành bản án tử hình cho chính gia đình mình. Vì vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ, liên tục và kiên trì của toàn bộ hệ thống chính trị, từ tổ dân phố, chính quyền và các đoàn thể đến công an khu vực. Phải coi việc tuyên truyền, vận động tháo dỡ chuồng cọp là nhiệm vụ chính trị gắn với an toàn sinh mạng cộng đồng, không phải phong trào ngắn hạn.
Song song với tuyên truyền, ông Xiêm cũng nhấn mạnh cần tổ chức hướng dẫn kỹ thuật để người dân biết cách thay thế chuồng cọp bằng khung sắt có cửa mở thoát nạn, tập huấn kỹ năng xử lý cháy nổ ban đầu và thoát hiểm trong điều kiện thực tế. Khi người dân hiểu rõ nguy cơ và có giải pháp thay thế, họ sẽ tự nguyện tháo bỏ chứ không chờ bị cưỡng chế. “Chừng nào ý thức chưa thay đổi, chuồng cọp sẽ vẫn tồn tại. Nhưng nếu cả hệ thống cùng vào cuộc, đến từng nhà để làm công tác tư tưởng, thì nhận thức sẽ thay đổi và đó mới là chìa khóa vàng để giải quyết tận gốc vấn đề” - ông Xiêm nói.
Theo PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, cần sự vào cuộc đồng bộ, liên tục và kiên trì của toàn bộ hệ thống chính trị, từ tổ dân phố, chính quyền và các đoàn thể đến công an khu vực. Phải coi việc tuyên truyền, vận động tháo dỡ chuồng cọp là nhiệm vụ chính trị gắn với an toàn sinh mạng cộng đồng, không phải phong trào ngắn hạn.
Đức Sơn – Hương Giang
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ha-noi-chuong-cop-giang-mac-tren-cac-chung-cu-cu-10310580.html