Liên tiếp xảy ra cháy
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mặc dù chưa có thống kê chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng từ đầu tháng 7/2025 đến nay đã xảy ra ít nhất 4 vụ hỏa hoạn. Trong đó, 1 vụ liên quan đến cháy chợ, 2 vụ cháy nhà xưởng và 1 vụ cháy cư xá (chung cư).
Đơn cử, sáng ngày 17/7, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở khu phố Khánh Lợi, phường Tân Khánh, TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, nhà xưởng sản xuất sơn rộng hàng trăm mét vuông này đã bất ngờ bốc cháy, cột khói cao hàng chục mét. Mặc dù rất may mắn không có thiệt hại về người nhưng hàng chục chiến sĩ cùng trang thiết bị chữa cháy phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể dập tắt ngọn lửa, ngăn cháy lan sang các nhà dân bên cạnh.
Vụ cháy xưởng sơn ở phường Tân Khánh. Ảnh: Người dân cung cấp
Trước đó, rạng sáng ngày 15/7, người dân phát hiện khói lửa bốc lên từ một ki-ốt trong chợ Lô 6, gần giao lộ Đỗ Đăng Tuyển, tỉnh lộ 7 (xã An Nhơn Tây, TP. Hồ Chí Minh). Ngọn lửa nhanh chóng lan sang các ki-ốt liền kề, bùng phát dữ dội. Theo lãnh đạo UBND xã An Nhơn Tây, đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng dãy ki-ốt và nhiều tài sản của các tiểu thương đã bị thiêu rụi.
Một vụ hỏa hoạn khác đầy thương tâm đã xảy ra trong đêm ngày 6/7 tại lô A cư xá Độc Lập trên đường Đô Đốc Long, phường Phú Thọ Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, cư xá này đã bất ngờ bốc cháy tại một căn hộ, hậu quả khiến 8 người trong 2 gia đình tử vong. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh xác định, nguyên nhân cháy là do đường dây dẫn điện cung cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện trong căn hộ bị chạm chập điện gây cháy. Ngoài ra, tại ban công các căn hộ của cư xá này cũng xảy ra tình trạng cơi nới, lắp đặt các "chuồng cọp" chặn lối thoát hiểm của người dân qua ban công.
Các sự việc vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cố cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không được phòng trừ đúng cách, từ sớm, từ xa.
Hiểm họa rình rập chợ dân sinh, chợ tự phát
Chợ là nơi chứa nhiều hàng hóa dễ cháy như giày dép, quần áo, vải vóc... Các vụ cháy chợ thường gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an sinh xã hội. Tại nhiều chợ dân sinh, chợ tự phát ở TP. Hồ Chí Minh, công tác phòng cháy, chữa cháy còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại.
Chợ phường Vườn Lài nằm giữa các lô chung cư Ngô Gia Tự. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Tại chợ Vườn Lài (phường Vườn Lài, TP. Hồ Chí Minh) vào lúc 10h sáng 17/7, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, chợ khá đông đúc, cảnh mua bán tấp nập với đầy đủ các mặt hàng từ thực phẩm, đồ gia dụng đến quần áo. Nằm giữa các lô của chung cư Ngô Gia Tự nên chợ này không có mái che kiên cố mà hầu hết được các tiểu thương dùng ô, bạt, che chắn tạm bợ phía trên để tránh mưa, nắng.
Một người dân sinh sống tại đây cho biết, chợ này có cùng thời điểm chung cư Ngô Gia Tự (tức từ những năm 1968). Vì nằm giữa các lô chung cư nên duy chỉ có khoảng trống lối cầu thang đi lên các căn hộ là không bày bán, còn lại tất cả các vị trí đều có người ngồi bán hàng ở phía tầng trệt. Theo quan sát của phóng viên Báo Công Thương, chợ lụp xụp, ẩm thấp, dây điện chằng chịt, lối đi trong chợ cũng nhỏ, hẹp tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Lối đi chật hẹp, các tiểu thương buôn bán ngay dưới chân cột điện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Điều đáng nói, chợ nằm giữa các lô của chung cư Ngô Gia Tự. Chung cư này đã cũ, xuống cấp nghiêm trọng, nằm trong diện phải sửa chữa, cải tạo. Tuy nhiên, đến nay, chợ vẫn họp, chung cư vẫn chưa được sửa chữa càng làm tăng mối nguy khi không may có hỏa hoạn xảy ra.
Trong khi đó, tại chợ Bà Chiểu (phường Gia Định, TP. Hồ Chí Minh), mặc dù được xây dựng kiên cố cả trong và ngoài chợ nhưng hiểm họa vẫn tiềm tàng. Tại đây, các tiểu thương được chia ô, ki-ốt với hệ thống công tơ điện tới từng ki-ốt. Hệ thống phòng cháy chữa cháy được trang bị đầy đủ từ bình cứu hỏa tại một số vị trí trọng yếu đến hệ thống báo cháy, chữa cháy bằng vòi phun nước phía trên.
Bình chữa cháy được đặt ngay lối lên tầng 2 trong chợ Bà Chiểu. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, một số bình chữa cháy đang trang bị trong chợ Bà Chiểu đã hết hạn bảo hành. Theo phiếu bảo hành được gắn trên một số bình chữa cháy đặt tại lối lên cầu thang giữa các tầng trong chợ thể hiện, ngày nạp là 6/12/2024; loại bình Bột/Co2: MT3; thời gian bảo hành là 6 tháng. Đồng thời thể hiện trên đó phía đơn vị bảo hành là Công ty Thiết bị P.C.C.C M&T.
Như vậy, một số bình chữa cháy đang được trang bị phòng trường hợp cháy nổ xảy ra đã quá hạn bảo hành từ ngày 6/6/2025, song, vẫn chưa được thay thế.
Một số bình cứu hỏa trong chợ Bà Chiểu hết hạn bảo hành từ ngày 6/6/2025 nhưng vẫn chưa được thay thế. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Trong trường hợp không may sự cố xảy ra, những bình chữa cháy tưởng chừng là công cụ cứu nguy, phương tiện dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu vô hình chung lại trở thành thứ vô tác dụng, không phát huy hiệu quả trong xử lý sự cố.
Để thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ Bà Chiểu đang không được chú trọng, thậm chí là bỏ ngỏ và việc kiểm tra, giám sát của những đơn vị có chức năng cũng chưa được sát sao.
Tương tự 2 trường hợp kể trên, hiện nay, không ít chợ dân sinh, chợ tự phát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đang rơi vào tình cảnh xuống cấp, tạm bợ, lụp xụp tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn. Có thể kể đến như chợ Thị Nghè, chợ tự phát trên đường Tôn Thất Đạm… cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, rà soát, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Nguyễn Ngọc