Ngày 15.4, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị với hiệu trưởng các trường học, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để chia sẻ kinh nghiệm ôn tập giai đoạn nước rút, hướng tới mục tiêu không để xảy ra tình trạng học sinh trượt tốt nghiệp.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát được thực hiện đối với học sinh lớp 12 ở cả ba khối: công lập, tư thục và giáo dục thường xuyên. Trong đó, riêng khối công lập có 70.651 học sinh tham gia.
Kết quả khảo sát điểm trung bình các môn ở khối công lập cao hơn mặt bằng chung toàn thành phố ở hầu hết các môn. Cụ thể, môn Toán đạt trung bình 5,84 điểm, cao hơn 0,74 điểm so với mức chung; môn Ngữ văn đạt 6,16 điểm (cao hơn 0,54 điểm); môn Tiếng Anh đạt 6,32 điểm (cao hơn 0,03 điểm)...
Tỷ lệ học sinh Hà Nội có nguy cơ trượt tốt nghiệp khá cao, khi số bài thi có điểm 0-1 là 4.228 bài (chiếm 0,91%), bên cạnh gần 32.000 bài kiểm tra có điểm dưới 3,0 (gần 7%);…
Tuy nhiên, Đáng chú ý, tỷ lệ bài khảo sát dưới trung bình (dưới 5 điểm) ở khối trường công lập vẫn ở mức 22,37%. Đáng lo ngại, tỷ lệ học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp khá cao, khi số bài thi có điểm 0-1 là 4.228 bài (chiếm 0,91%), bên cạnh gần 32.000 bài kiểm tra có điểm dưới 3,0 (gần 7%);… Những trường có điểm khảo sát thấp nhất là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Đối với các trường học có số lượng học sinh nằm ở nhóm nguy cơ trượt tốt nghiệp cao, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cũng như cam kết chất lượng trong kỳ thi sắp tới.
Tại Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trực (huyện Thanh Oai), ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, năm ngoái trường có 8 học sinh trượt tốt nghiệp. Năm nay, với 203 học sinh lớp 12, nhà trường đang nỗ lực cải thiện kết quả, bởi phần lớn học sinh đầu vào chưa cao, nhiều em còn thiếu tính tự giác trong học tập, ảnh hưởng đến chất lượng khảo sát.
Quyết tâm giảm số học sinh trượt tốt nghiệp, trường đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc giám sát, hỗ trợ học sinh tự học tại nhà, đồng thời tổ chức phụ đạo theo từng nhóm đối tượng.
Tương tự, Trường THPT Phùng Hưng (quận Hà Đông) – nơi từng có 10 học sinh trượt tốt nghiệp năm trước – cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trường đã tổ chức họp với phụ huynh toàn bộ 227 học sinh lớp 12 và đặt mục tiêu đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cũng như cam kết chất lượng trong kỳ thi sắp tới
Trên cơ sở kết quả khảo sát mới đây, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp với từng nhóm học sinh, đặc biệt chú trọng học sinh yếu và thiếu chủ động trong học tập. Kế hoạch ôn thi được xây dựng theo từng giai đoạn cụ thể, từ nay đến trước kỳ thi.
Các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đều thể hiện quyết tâm nâng tỷ lệ tốt nghiệp so với năm trước. Bên cạnh việc chia sẻ khó khăn, các đơn vị cũng thống nhất tập trung hỗ trợ học sinh yếu, đồng thời không chủ quan với những em có điểm khảo sát trên trung bình. Phụ đạo theo nhóm, giám sát sát sao tiến độ học tập là những giải pháp đang được ưu tiên triển khai.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các nhà trường nêu cao tinh thần trách nhiệm. Từ kết quả khảo sát, nhà trường cần tiếp tục phân tích, xác định rõ nguyên nhân vì sao môn học này điểm còn thấp, nội dung kiểm tra kia còn nhiều học sinh chưa đạt yêu cầu…
Từng trường cần rà soát kỹ, phân loại học sinh theo nhóm và tăng cường hỗ trợ, tư vấn học sinh trong việc lựa chọn đăng ký môn thi tốt nghiệp phù hợp.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị từng nhà trường, mỗi nhà giáo cần tuyệt đối không được chủ quan, tận dụng tối đa “giai đoạn vàng” từ nay tới trước kỳ thi để hỗ trợ học sinh, giúp các em đáp ứng tốt với kỳ thi với nhiều đổi mới.
Quốc Việt