Trong khi thị trường căn hộ tại Hà Nội tiếp tục thể hiện sự ổn định trong năm 2025, thì TP HCM lại đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở.
Những trở lực trái chiều từ các đô thị lớn
Theo Savills Việt Nam, thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội tiếp tục thể hiện sự ổn định trong năm 2025 nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện, cải cách quy hoạch và nguồn cầu mạnh mẽ. Trong Quý II/2025, thị trường Hà Nội ghi nhận 7.000 căn hộ mới được mở bán và 5.200 giao dịch. Bên cạnh đó, dự báo từ nửa cuối 2025 đến 2027, thị trường sẽ đón nhận hơn 58.000 căn hộ từ 58 dự án.
Đặc biệt, phân khúc nhà ở thấp tầng tại Hà Nội ghi nhận tăng trưởng đáng kể nhờ sự xuất hiện của các đại dự án. Cụ thể, trong Quý II/2025, có 267 căn được mở bán từ 6 dự án hiện hữu, cùng tổng nguồn cung sơ cấp đạt 2.642 căn, trong đó có 1.221 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ theo quý đạt 46%. Dự báo nguồn cung từ 2025 đến 2027 dự kiến đạt 6.443 căn.
Tuy vậy, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với khoảng 151.000 hộ gia đình mới hình thành, thành phố chỉ cung cấp được khoảng 102.000 căn hộ và nhà ở thấp tầng mới, dẫn đến thiếu hụt khoảng 49.000 căn cho thấy thị trường khá tiềm năng.
Trong khi đó, thị trường nhà ở tại TP HCM đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở trong suốt 5 năm gần đây. TP lớn nhất Việt Nam này đang đặt mục tiêu phát triển khoảng 235.000 căn nhà mới trong giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên đến nay chỉ thực hiện được 24% chỉ tiêu và còn thiếu hụt 179.000 căn.
Các đô thị lớn đang đối mặt với nhiều trở lực trong phát triển nhà ở khu vực ngoại thành.
Cũng theo Savills Việt Nam, trong Quý II/2025, TP HCM có khoảng 1.600 căn hộ chung cư mới, tăng 38% theo năm. Nguồn cung sơ cấp hạn chế ở mức 5.400 căn hộ và lượng bán chỉ chỉ đạt 2.400 căn hộ; lượng hấp thụ đạt 45%.
Lũy kế từ đầu năm, nguồn cung sơ cấp 6 tháng đầu 2025 đạt 6.800 căn hộ và lượng bán đạt 3.800 căn hộ. Nguồn cung tương lai cho giai đoạn 2025-2027 chỉ gồm 39.000 căn hộ.
“Nguồn cung bất động sản liền thổ tại TP HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với nguồn cung sơ cấp trong Quý II/2025 giảm xuống chỉ còn hơn 600 căn và nguồn cung mới khiêm tốn với chỉ 80 căn. Thiếu nguồn cung đã dẫn đến tình hình hoạt động kém với tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 15% và 100 căn được bán trong bối cảnh lượng hàng cao cấp tồn kho lớn và tệp khách mua hẹp. Tính đến 6 tháng đầu năm 2025, nguồn cung sơ cấp chỉ có 700 căn với 170 giao dịch. Nguồn cung tương lai dự kiến sẽ tiếp tục hạn chế, với chỉ khoảng 3.600 căn được mở bán ra thị trường tính đến năm 2027, chủ yếu tập trung tại khu vực ngoại thành được hỗ trợ bởi hạ tầng đang phát triển”, Savills Việt Nam phân tích.
Giải pháp dài hơi
Theo chuyên gia Savills, chênh lệch cung-cầu bị nới rộng vì quy trình phê duyệt chậm và siết chặt các quy định pháp lý, mặc dù đã có nhiều sự cải thiện được kỳ vọng trong dài hạn, với việc áp dụng các luật và chính sách mới, và thủ tục phê duyệt pháp lý đã được tinh gọn.
Trong khi nguồn cung hạn chế thì tốc độ tăng dân số và nhập cư chậm lại gần đây đã làm suy giảm lực lượng lao động, trong bối cảnh chi phí nhà ở cao khiến người dân e ngại định cư lâu dài ở các thành phố lớn.
“Để ứng phó với tình trạng này, nhà chức trách ở các thành phố lớn đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nhằm hỗ trợ việc phát triển các dự án nhà ở, đồng thời thúc đẩy xu hướng dịch chuyển nhu cầu sang các khu vực ngoại thành có giá phải chăng hơn”, chuyên gia Savills Việt Nam chia sẻ.
Với động thái này, tại TP HCM dự kiến sẽ có gần 5.000 căn được triển khai dọc theo các tuyến metro và hơn 14.000 căn dọc hai tuyến đường Vành đai 2 và 3 trong giai đoạn từ 2025-2027.
Còn tại Hà Nội, Thủ đô đã phân bổ 87.000 tỷ đồng cho đầu tư công, với kế hoạch triển khai 12 dự án giao thông trọng điểm, nhằm tăng cường kết nối và giảm ùn tắc trên toàn khu vực đô thị. Xem nhà ở như một phần của hạ tầng và tích hợp vào chiến lược phát triển đô thị tổng thể có thể giúp mở ra các nguồn vốn và công cụ chính sách mới.
Hồ Xuân Mai