Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong danh sách đã chậm nộp bảo hiểm suốt thời gian dài, dẫn đến số nợ tích lũy lên tới hàng chục tỷ đồng. Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax, có trụ sở tại số 149 Trung Kính, quận Cầu Giấy, với tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội lên tới gần 61,7 tỷ đồng. Đây là cái tên không còn xa lạ trong các lần công bố danh sách đơn vị nợ bảo hiểm trước đây.
Xếp sau là Công ty Cổ phần LILAMA3, địa chỉ tại số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Doanh nghiệp này đang nợ bảo hiểm kéo dài hơn 120 tháng, với tổng số tiền hơn 47,6 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty Cổ phần Cầu 12 (số 463 Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên), hiện chậm đóng bảo hiểm gần 95 tháng, số tiền nợ vượt quá 30 tỷ đồng.
Ngoài ba đơn vị kể trên, còn có khoảng 20 doanh nghiệp khác đang nợ bảo hiểm xã hội ở mức từ 10 tỷ đến gần 26 tỷ đồng. Một số cái tên đáng chú ý gồm: Công ty Cổ phần Sông Đà 6 (khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông); Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh); Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai (Km14 quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì)...
Bên cạnh đó, danh sách còn ghi nhận 26 doanh nghiệp khác đang nợ bảo hiểm ở mức từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng. Trong nhóm này có thể kể đến Công ty TNHH Trường Minh (Tầng 5, tòa N02 GoldSeason, số 47 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân); Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (số 277 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung); Công ty Cổ phần Siêu Chung Kỳ (phòng 302B, số 94 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm)...
Đề xuất tăng hình phạt với hành vi gian lận và trốn đóng bảo hiểm
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tư pháp mới đây đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự. Dự thảo này dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp tháng 10 tới.
Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo lần này là điều chỉnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng mức phạt tiền cũng như tăng ngưỡng số tiền vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự tại các điều 214, 215 và 216.
Cụ thể, tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, dự thảo quy định mức tối thiểu để xử lý hình sự là chiếm đoạt 20 triệu đồng (tăng gấp đôi so với quy định hiện hành là 10 triệu đồng) hoặc gây thiệt hại từ 40 triệu đồng trở lên. Đồng thời, mức phạt tiền thấp nhất với hành vi này cũng được nâng từ 20 triệu đồng lên 40 triệu đồng. Hành vi bị xử lý bao gồm lập hồ sơ giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ để lừa đảo cơ quan BHXH nhằm trục lợi chế độ.
Với trường hợp phạm tội có tổ chức, mang tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt từ 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại ít nhất 400 triệu đồng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200 đến 400 triệu đồng, hoặc chịu án tù từ 1 đến 5 năm – mức phạt này cũng đã tăng gấp đôi so với hiện tại.
Điều 215 về tội gian lận BHYT cũng được sửa đổi theo hướng tương tự. Theo dự thảo, hành vi chiếm đoạt tiền BHYT từ 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 40 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng, bị cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Các hành vi cụ thể bao gồm lập bệnh án, kê đơn thuốc khống, kê khai sai số lượng, loại thuốc, chi phí khám chữa bệnh, hoặc sử dụng thẻ BHYT giả...
Tại Điều 216 liên quan đến tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, dự thảo đề xuất nâng mức tiền vi phạm tối thiểu để xử lý hình sự từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng. Mức phạt tiền dành cho cá nhân vi phạm cũng được nâng từ 200 triệu đồng hiện hành lên ít nhất 400 triệu đồng.
Đáng chú ý, đối với pháp nhân thương mại trốn đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, dự thảo đề xuất mức phạt tiền tối thiểu là 400 triệu đồng và có thể lên tới 6 tỷ đồng – cho thấy nỗ lực siết chặt kỷ luật tài chính trong lĩnh vực an sinh xã hội, đồng thời tăng sức răn đe trước tình trạng vi phạm kéo dài.
N.Hà