Hà Nội: Huyện Gia Lâm đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị

Hà Nội: Huyện Gia Lâm đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị
2 tháng trướcBài gốc
Mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Dương Xá.
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh mẽ
Xã Dương Xá nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, địa bàn có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị quân đội; có không gian đô thị Vinhomes Ocean Park… đã tạo lợi thế trong giao lưu văn hóa, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào các ngành kinh tế, làm thay đổi diện mạo cho sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã.
Những năm qua, phong trào thi đua của xã luôn được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân coi trọng, đặc biệt là các phong trào thi đua do huyện Gia Lâm phát động, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Xã Dương Xá được thành phố Hà Nội lựa chọn là xã điểm của Thành phố để xây dựng xã NTM thông minh.
Sau thời gian thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) đã đáp ứng đầy đủ 19 tiêu chí xã NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 và được Thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022 tại Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 18/4/2023. Xã có khả năng áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong lĩnh vực nổi trội, 100% số hộ dân có kết nối Internet.
100% cán bộ, công chức của xã sử dụng điện thoại thông minh, có sử dụng hộp thư điện tử công vụ và văn phòng điện tử cho công tác điều hành, chỉ đạo, chia sẻ thông tin và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn. Xã Dương Xá có 100% dân số trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh.
Chia sẻ về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh cho biết: Xã sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị thiết kế, xây dựng đề xuất mô hình thí điểm xã NTM thông minh phù hợp với các định hướng phát triển của xã Dương Xá gắn với mục tiêu xây dựng xã thành phường. Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan (lãnh đạo xã, thôn/tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan nghiên cứu, người dân...) để bổ sung, hoàn thiện đề xuất.
Sau khi hoàn thiện mô hình, UBND xã Dương Xá trình UBND sẽ huyện thẩm tra. Sau khi UBND huyện thẩm tra đảm bảo yêu cầu, trình UBND Thành phố phê duyệt Đề xuất mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo quy định. Dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, trong thời gian qua, huyện Gia Lâm đã tận dụng tốt lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hoàn thiện sớm các tiêu chí đạt chuẩn huyện NTM, huyện NTM nâng cao.
Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Gia Lâm thường xuyên được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế.
Cụ thể, năm 2017 toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn xã NTM, chiếm tỷ lệ 100%; năm 2019 huyện đã về đích huyện NTM. Đến nay, huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm tỷ lệ 100%; có 05/20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Cổ Bi, Đình Xuyên, Dương Xá, Bát Tràng, Ninh Hiệp) chiếm tỷ lệ 25%.
Về kết quả xây dựng huyện NTM nâng cao, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu đánh giá huyện NTM nâng cao đảm bảo theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao của Trung ương giai đoạn 2021-2025. Ngày 26/9/2024, Hội đồng thẩm định Trung ương đã thống nhất thông qua, trình Chính phủ xét công nhận huyện Gia Lâm đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện đạt 0,10%; thu nhập bình quân/đầu người đạt 82,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,04%, có 122 thôn làng được công nhận làng văn hóa; công tác thu gom vận chuyển rác thải được thực hiện thường xuyên, thu gom được 100% lượng rác thải sinh hoạt, tỉ lệ hộ dân dùng được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm tham quan mô hình làng nghề hoa giấy Phù Đổng.
Huyện Gia Lâm có 01 bệnh viện đa khoa, 01 trung tâm y tế; 20/20 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, các trạm y tế đều có bác sỹ và nhiều phòng khám tư nhân tại các xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. Huyện có 76/83 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 96,1%. 100% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn văn hóa. Tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội duy trì ổn định; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương.
Ông Đỗ Duy Bàng, Bí thư Chi bộ thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn chia sẻ: Xây dựng NTM là công việc thiết thực, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân địa phương, vì thế luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Trong quá trình xây dựng NTM, ngoài sự đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, còn có sự huy động từ sức dân. Đơn cử như thôn Khoan Tế, khi địa phương phát động chương trình xây dựng NTM, thôn đã huy động từ nhân dân được hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn. Phải khẳng định rằng, đến nay những thành quả đấy chính là người dân hưởng lợi và làm cho bộ mặt nông thôn từng bước được khang trang, khởi sắc.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thực sự phát huy hiệu quả, kinh tế của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ, qua đó đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện Gia Lâm ngày càng được nâng cao.
“Trong thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được nhằm tạo ra những diện mạo mới, sức sống mới gắn với thực hiện các tiêu chí của đơn vị hành chính quận và phường theo lộ trình đã đề ra”, ông Trương Văn Học nhấn mạnh.
Tuệ Minh – Tiến Hào
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-huyen-gia-lam-day-manh-xay-dung-nong-thon-moi-va-phat-trien-do-thi-387790.html