Huyện Cù Lao Dung chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng chất lượng, bền vững và hiệu quả

Huyện Cù Lao Dung chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng chất lượng, bền vững và hiệu quả
7 giờ trướcBài gốc
Phóng viên: Qua từng năm, huyện Cù Lao Dung ngày càng có nhiều khởi sắc rõ nét ở từng lĩnh vực công tác, nhất là lĩnh vực kinh tế. Đồng chí vui lòng cho biết một số dấu ấn kinh tế năm 2024 của huyện?
Đồng chí Trần Văn Nguyên: Năm 2024, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay có 7/7 xã đạt chuẩn NTM; xã An Thạnh 1 đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã An Thạnh Tây đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, xã An Thạnh 2 và xã An Thạnh Đông cơ bản hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao; xã An Thạnh 1 đang trình hồ sơ về tỉnh thẩm định phê duyệt thực hiện mô hình thí điểm xã NTM thông minh. Trên địa bàn huyện có 15 hợp tác xã với 560 thành viên, 66 tổ hợp tác và nhóm đồng quản lý với 1.979 tổ viên; số hộ tham gia kinh tế tập thể 2.539 thành viên (chiếm 15,02% tổng số hộ). Đặc biệt, có 24 sản phẩm OCOP, các sản phẩm này đã được đưa lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng.
Diện tích xuống giống ước thực hiện 11.901ha, vượt 12,27% kế hoạch (tăng 5,32% so với cùng kỳ), trong đó, màu lương thực 4.710ha (vượt kế hoạch), màu thực phẩm 3.205ha (vượt kế hoạch), mía 3.986ha (vượt 47,63% kế hoạch). Diện tích mía tăng 1.286ha; giá mía tương đối cao và ổn định, được Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Đối với chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm đều vượt kế hoạch đề ra; có sự tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở thu gom buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản ước thực hiện 30.600 tấn (vượt kế hoạch). Bên cạnh đó, huyện ban hành các kế hoạch, quy chế thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên đo độ mặn trên các nhánh sông vùng trồng màu, cây ăn trái và thông báo kịp thời đến người dân biết để có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Phối hợp kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều phòng, chống thiên tai; kiểm tra tình hình sản xuất; đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp, biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phối hợp thực hiện dự án di dời dân phòng chống thiên tai; vận động nhân dân thực hiện bồi trúc, gia cố các đoạn bờ bao, đê bao hiện đang quản lý, sử dụng để chủ động phòng, chống triều cường trong mùa mưa bão.
Đồng chí Trần Văn Nguyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung.
Phóng viên: Về văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện được chú trọng thực hiện như thế nào, nhất là về du lịch, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Nguyên: Không chỉ tạo dấu ấn ở lĩnh vực kinh tế mà các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Khi đó, công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm thực hiện tốt. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch địa phương được thực hiện thường xuyên. Tổng lượt khách đến địa phương ước đến cuối năm có 77.200 lượt (vượt 22,77% kế hoạch); khách tham quan du lịch ước cuối năm có 61.250 lượt (vượt kế hoạch); khách lưu trú 1.140 lượt (vượt kế hoạch), trong đó khách quốc tế 430 lượt. Như vậy, tổng doanh thu từ du lịch đạt 6,009 triệu đồng; tổng doanh thu du lịch phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi trên địa bàn huyện với hơn 7.500 triệu đồng. Đồng thời, kết hợp với điểm du lịch Cô Hai tổ chức Hội chợ quê bánh dân gian và giới thiệu các sản phẩm OCOP của các xã, thị trấn và được duy trì vào ngày 21 hằng tháng. Huyện chỉ đạo tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình du lịch sinh thái như: mô hình làng du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái tại xã An Thạnh 1; mô hình du lịch sinh thái kết hợp khu vui chơi giải trí cho trẻ em; mô hình du lịch sinh thái kết hợp homestay - thị trấn Cù Lao Dung; cầu tre xuyên rừng ở xã An Thạnh 3 và rừng ngập mặn; mô hình du lịch sinh thái cộng đồng mang bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ - xã An Thạnh Nam.
Công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh được tăng cường; các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi; công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện thường xuyên. Riêng đối với công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ và kịp thời. Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, tổ chức đoàn thăm, chúc Tết, tặng 5.930 phần quà với số tiền trên 2.715 triệu đồng; thành lập đoàn thăm, tặng quà, tổ chức họp mặt và tặng quà cho 67 người dân tộc Khmer nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây. Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, thực hiện thăm hỏi gia đình chính sách, viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện và tiếp nhận, chuyển phát quà từ nguồn Trung ương, địa phương là 1.962 phần quà với số tiền trên 1.655 triệu đồng để trao tặng cho người có công và thân nhân, hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện…
Lễ công bố quyết định công nhận huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn NTM. Ảnh: SỚM MAI
Phóng viên: Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện còn vấn đề gì khó khăn, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Nguyên: Nhìn chung, kinh tế - xã hội năm 2024 của huyện tiếp tục có những bước tiến mạnh. Tuy nhiên, tình hình thiên tai, nhất là hạn, mặn, sạt lở bờ sông, triều cường và một số loại cây trồng ra hoa không theo quy luật tự nhiên, một phần nhỏ diện tích có giảm về năng suất. Tổ hợp tác, hợp tác xã được hỗ trợ các chính sách từ nông nghiệp nhưng chưa phát huy được hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy có phát triển nhưng còn chậm, quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Ý thức về bảo vệ môi trường nơi công cộng của một số người dân còn thấp, vẫn còn diễn ra tình trạng vứt rác xuống sông, rạch. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh đã tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Phóng viên: Năm 2025, huyện Cù Lao Dung sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Nguyên: Tiếp tục thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn và tập trung phát triển kinh tế nhằm tạo ra nhiều nguồn lực góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Huyện quan tâm thu hút, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng quy mô, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy tổ chức và điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác thông tin truyền thông, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội huyện.
Năm 2025, huyện đã đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể cần phải thực hiện là: Diện tích màu lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày 11.900ha; chăn nuôi với tổng đàn gia súc 18.900 con, đàn gia cầm 140.000 con; diện tích nuôi thủy sản 4.120ha; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản 32.880 tấn; giữ vững xã NTM (7 xã), NTM kiểu mẫu 1 xã (xã An Thạnh Tây); tổng thu ngân sách trên địa bàn là 41 tỷ đồng; tổng số gia đình văn hóa mới 15.800 hộ, số người tập luyện thể dục, thể thao 30.900 người, số hộ gia đình thể thao 2.601 hộ, tổng lượt khách đến địa phương 83.376 lượt; số học sinh đầu năm 12.050 học sinh; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 100% (30/30 trường); tỷ lệ xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi 45,01%; giải quyết việc làm mới 2.000 lao động; dạy nghề (kể cả tư nhân) 700 người; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia 38%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 91%, khu dân cư nông thôn đạt 60%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải đạt 100%.
Ở mỗi lĩnh vực, UBND huyện đều có những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với quyết tâm cao để tập trung thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là quyết tâm xây dựng NTM nâng cao năm 2025.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
Sớm Mai (Thực hiện)
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/202412/huyen-cu-lao-dung-chu-trong-phat-trien-kinh-te-theo-huong-tang-truong-chat-luong-ben-vung-va-hieu-qua-9d2425f/